Dự án “Điều tra, đánh giá hiện trạng phân bố và xây dựng kế hoạch bảo tồn các loài lưỡng cư quý hiếm tại Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (2020-2024)” đã được đã được thực hiện, nhằm bảo tồn, phát triển bền vững các loài lưỡng cư đang có nguy cơ tuyệt chủng.
Theo ông Lê Đình Phương, Giám đốc Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, việc thực hiện Dự án này sẽ nâng cao nhận thức của người dân, chính quyền địa phương trong bảo tồn các loài động vật hiếm, đang có nguy cơ tuyệt chủng, được phục hồi, tạo nên sự cân bằng sinh thái, góp phần bảo vệ các loài động vật rừng hoang dã tại Khu Bảo tồn nói riêng và ở Việt Nam nói chung.
Tại Khu Bảo tồn, các kiểm lâm viên đã điều tra, đánh giá hiện trạng quần thể, xác định các mối đe dọa trực tiếp, gián tiếp đến các loài lưỡng cư; xây dựng chương trình giám sát đối với các loài lưỡng cư nguy cấp, quý, hiếm tại Khu bảo tồn, từ đó đề xuất các giải pháp bảo tồn chúng.
Bên cạnh đó, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã xây dựng được 2 bộ bản đồ, 1 phần mềm với cơ sở dữ liệu đảm bảo tính khoa học để dễ tra cứu thông tin về các loài lưỡng cư; tổ chức 9 hội nghị tuyên truyền với thôn bản, in ấn và cấp phát 10.000 tờ rơi tuyên truyền cho người dân về bảo tồn các loài lưỡng cư quý, hiếm.
Đến nay, dự án đã phát hiện được được 43 loài, trong đó có 13 loài lưỡng cư quý, hiếm, đặc hữu và có giá trị bảo tồn; hai loài lần đầu tiên ghi nhận ở tỉnh Thanh Hóa là Theloderma lateriticum và Raorchestes gryllus; hai loài lần đầu tiên ghi nhận ở Bắc Trung Bộ gồm Leptobrachella petrops, Megophrys cf.parva và Vietnamophryne orlovi; hai loài đặc hữu tại Việt Nam được phát hiện là Leptobrachella petrops và Vietnamophryne orlovi.
Các Kiểm lâm viên đã gây nuôi thành công 3 loài lưỡng cư nguy cấp, quý hiếm gồm các loài ếch cây sần Bắc Bộ, ếch cây ki ô, cóc rừng. Từ kết quả nhân nuôi nòng nọc của ba loài này cho thấy, nòng nọc thích nghi khá tốt với điều kiện nuôi, tỷ lệ sống tương đối cao, từ 79 - 86%. Đây là kết quả quan trọng để các kiểm lâm viên tiếp tục khảo sát, thu thập và nhân nuôi các loài lưỡng cư quý, hiếm, phục hồi quần thể, bảo tồn loài.
Thời gian tới, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tiếp tục khảo sát, thu thập và nhân nuôi các loài lưỡng cư quý, hiếm trên; xây dựng bản đồ phân bố, đề xuất giải pháp quản lý, tổng hợp tài nguyên rừng, hướng đến bảo tồn loài lưỡng cư nguy cấp, quý, hiếm tại các khu rừng của Pù Luông.
Nguyễn Nam