Nhằm bảo tồn các loài cây quý hiếm đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông triển khai dự án “Bảo tồn và phát triển các loài thực vật nguy cấp, quý hiếm Thông Pà Cò và Thông Đỏ Bắc tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông (giai đoạn 2017-2020)” . Đến tháng 6/2020, dự án đã trồng bổ sung được 280 cây giống Thông Pà Cò và 215 cây giống Thông Đỏ Bắc, điều chỉnh vị trí 11 cây Thông Pà Cò tái sinh và 3 cây Thông Đỏ Bắc tái sinh tại khu vực phân bố của loài.
Nón Thông Pà cò. Ảnh: TTXVN phát
Ông Lê Đình Phương, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông cho biết: Trong 3 năm thực hiện dự án, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã tổ chức tập huấn về kỹ năng điều tra, giám sát 2 loài Thông Pà Cò, Thông Đỏ Bắc cho 20 cán bộ; xây dựng và in ấn bộ bản đồ phân bố của hai loài. Tại tiểu khu 270 khu vực rừng Pù Luông, loài Thông Pà Cò có 106 cá thể trưởng thành được phân bố tại 4 đỉnh núi với diện tích 121,94 ha. Loài Thông Đỏ Bắc có 90 cá thể trưởng thành được phân bố ở tiểu khu 53 với diện tích 38,16 ha. Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông đã xây dựng bản hướng dẫn kỹ thuật tạo giống 2 loài và dựng 8 tuyến giám sát để ghi nhận những biến động của tầng cây gỗ cùng lớp cây tái sinh. Loài Thông Pà cò và Thông Đỏ Bắc hầu như không có mối đe dọa trực tiếp, các mối đe dọa gián tiếp chủ yếu đến từ thiên tai, sạt lở đất, sấm sét, cháy rừng, hạn hán... Dự án thực hiện thành công đã giúp Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông tìm ra giải pháp bảo tồn 2 loài thực vật quý hiếm này phục vụ cho việc bảo tồn nguồn gen, bảo vệ tài nguyên rừng, phục hồi thảm thực vật, điều hòa nguồn nước, bảo vệ các hệ sinh thái, đặc biệt là hệ sinh thái núi đá vôi thuộc liên khu sinh cảnh Pù Luông - Cúc Phương.
Thời gian tới, Ban quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông sẽ tiếp tục theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển và giám sát các nguy cơ đối với loài Thông Pà Cò, Thông Đỏ Bắc trên các ô tiêu chuẩn và các tuyến giám sát. Đồng thời, giáo dục, nâng cao nhận thức bảo tồn hai loài cây quý hiếm này cho cộng đồng dân cư thông qua các buổi tuyên truyền, họp dân, trên hệ thống thông tin đại chúng như truyền hình, radio, loa phóng thanh, internet... và kiến nghị UBND tỉnh Thanh Hóa tiếp tục hỗ trợ kinh phí để thực hiện phương án bảo tồn, phát triển quần thể 2 loài cây quý hiếm này.
Theo báo cáo của Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, loài Thông Pà Cò (Pinuskwangtungensis) là cây gỗ to, cao khoảng 25 m, thân xanh. Tại Việt Nam, loài cây này phân bố rất hẹp, chỉ có ở các tỉnh Thanh Hóa, Cao Bằng, Hòa Bình. Thông Pà Cò có giá trị cao, gỗ thơm, vân thớ đẹp, không bị mối mọt, là loài gỗ dùng rất tốt trong ngành xây dựng.
Còn loài Thông Đỏ Bắc (Taxus chinensis) là cây thân gỗ, cao gần 20 mét, vỏ màu nâu sẫm, lá mọc xoắn ốc. Hiện loài Thông Đỏ Bắc mọc rải rác ở các tỉnh Thanh Hóa, Sơn La, Lào Cai. Thông Đỏ Bắc được biết đến như một dược liệu quý hiếm trị nhiều bệnh bởi vỏ và lá cây có thể dùng để chiết xuất ra hoạt chất Paclitacel có giá trị cao trong việc đặc trị bệnh ung thư, gỗ cây Thông Đỏ Bắc có thể dùng trong ngành xây dựng.
Nguyễn Nam