Hai huyện ven biển Gò Công Đông và Tân Phú Đông của tỉnh Tiền Giang có trên 2.800 hộ dân với hàng chục ngàn nhân khẩu sống phân tán ở ngoài đê, ven cửa sông, ven biển... Các hộ chưa được sử dụng nước sạch, đứng trước nguy cơ thiếu nước trong mùa khô hạn và xâm nhập mặn 2023. Tỉnh đang triển khai nhiều giải pháp nhằm đảm bảo nguồn nước sinh hoạt, không để người dân thiếu nước ngọt dùng trong các tháng cao điểm mùa khô.
Các huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông phối hợp với Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước mở 46 vòi nước công cộng cấp nước miễn phí cho các hộ dân (trong đó huyện Gò Công Đông có 35 vòi, huyện Tân Phú Đông có 11 vòi); thời gian phục vụ dự kiến từ tháng 1 đến giữa tháng 5. Để không lãng phí nguồn nước, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước Tiền Giang căn cứ tình hình thực tế, thiếu đến đâu mở vòi nước phục vụ đến đó. Đến nay, Công ty đã mở vận hành 18 vòi nước công cộng tại huyện Gò Công Đông và hai vòi nước công cộng tại huyện Tân Phú Đông.
Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên cấp nước tỉnh đã bơm trữ 223.000 m3 vào hệ thống các ao chứa nước ngọt trên địa bàn huyện cù lao Tân Phú Đông, bảo đảm đủ nước phục vụ nhân dân trong các tháng mùa khô hạn 2023. Để góp phần tăng nguồn cung cấp nước cho các huyện, thị phía Đông nói chung và các huyện ven biển Tân Phú Đông, Gò Công Đông nói riêng, Công ty còn chú trọng kiện toàn cơ sở hạ tầng cung cấp nước sinh hoạt, tăng nguồn cung cấp nước. Trong đó, Công ty vận hành khai thác 14 giếng khoan dự phòng gồm 6 giếng tại khu vực Mỹ Tho, 5 giếng tại Nhà máy nước Bình Đức và 3 giếng tại huyện Chợ Gạo.
Nhằm đảm bảo cấp nước lâu dài, huyện Tân Phú Đông đang đầu tư khoảng 3,1 tỷ đồng lắp đặt thêm 5 tuyến ống đưa nguồn nước sinh hoạt về phục vụ các hộ dân vùng sâu, vùng xa. Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhờ những giải pháp tích cực, việc cung cấp nước sinh hoạt cho nhân dân vẫn ổn định, chưa xảy ra tình trạng thiếu hụt hoặc khan hiếm nước sinh hoạt khiến người dân phải mua nước giá cao.
Minh Trí