Người dân ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm sử dụng nguồn nước sinh hoạt do Công ty Cổ phần cấp nước Ninh Thuận cung cấp. Ảnh: Công Thử - TTXVN |
Khó khăn nguồn nước sinh hoạt Nước sinh hoạt của người dân ở tỉnh Ninh Thuận đa phần được lấy từ nguồn nước thô ở các hồ chứa trong tỉnh; trong đó phần lớn là nguồn nước được xả từ hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) qua hệ thống Nhà máy thủy điện Đa Nhim. Khó khăn lớn nhất của tỉnh Ninh Thuận đó là nhiều hồ chứa đang cạn kiệt nguồn nước, có hồ đã trơ đáy, không đủ nước thô đưa về cho các nhà máy xử lý nước cấp cho người dân sinh hoạt. Ông Phạm Ngọt, Phó Giám đốc Phụ trách Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh Ninh Thuận cho biết, tính đến ngày 17/2, mực nước ở 21 hồ chứa của tỉnh chỉ còn 60,97/194,49 triệu m3, chiếm 35,9% so với dung tích thiết kế, trong đó có nhiều hồ chứa không còn lượng nước để phục vụ sinh hoạt cho người dân. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, trong tỉnh hiện có hai đơn vị có nhiệm vụ cung cấp nước sinh hoạt cho người dân là Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn và Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận. Toàn tỉnh có 20 nhà máy cấp nước nằm ở các huyện Bác Ái, Thuận Bắc, Thuận Nam, Ninh Sơn và Ninh Hải, có nhiệm vụ lấy nước từ các hồ chứa đưa về xử lý cấp cho hơn 37.650 hộ dân sinh hoạt. Tuy nhiên, do các hồ chứa đã và đang dần cạn kiệt nguồn nước nên việc cấp nước sinh hoạt cho người dân gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, khoảng hơn 82.000 hộ dân dùng nước sinh hoạt trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và một số địa phương thuộc các huyện Ninh Hải, Ninh Phước và Thuận Nam được Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận cung cấp, nguồn nước thô chủ yếu được lấy từ hồ Đơn Dương xả qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim đưa về Nhà máy nước Tháp Chàm xử lý cấp cho người dân. Ông Đặng Kim Cương - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, theo dự báo của Trung tâm Khí tượng thủy văn tình hình khô hạn sẽ tiếp tục kéo dài và rất khó lường. Dù nguồn nước của hồ Đơn Dương (tỉnh Lâm Đồng) còn hơn 120/165 triệu m3 (chiếm hơn 72% dung tích thiết kế) và đang xả với lưu lượng 14,52 m3/giây, vừa phục vụ phát điện của Nhà máy thủy điện Đa Nhim và vừa phục vụ nước cho sinh hoạt, tưới tiêu ở vùng hạ lưu của tỉnh nhưng thực tế lượng nước nguồn bổ sung vào hồ chỉ đạt 6,35 m3/giây. Do đó, nguồn nước của hồ Đơn Dương có nguy cơ sớm cạn kiệt, không đủ đáp ứng sau này.Không để người dân thiếu nước Trước những bất lợi của thời tiết và khô hạn có thể kéo dài trong nhiều tháng tới, UBND tỉnh Ninh Thuận đang tập trung thực hiện quyết liệt các giải pháp, nhằm ứng phó hiệu quả với tình hình khô hạn trên tinh thần: “Không để dân đói, dân khát; không để phát sinh dịch bệnh”. Ông Trần Quốc Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và Công ty TNHH Một thành viên Khai thác các công trình thủy lợi tỉnh phải thường xuyên kiểm tra, tính toán cân đối, hợp lý nguồn nước ở các hồ chứa hiện nay để tiến hành xả với lưu lượng phù hợp, tiết kiệm nhất để phục vụ tối đa cho sinh hoạt của người dân. Ông Trần Quốc Nam nhấn mạnh: “Ninh Thuận quyết không để một người dân nào chịu cảnh bị thiếu nước sinh hoạt, dù ở thời điểm khắc nghiệt, khó khăn nhất”. Chủ động ứng phó trước những khó khăn trên, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận khẩn trương rà soát, xây dựng phương án cụ thể để đưa nước về các nhà máy xử lý để cấp nước sinh hoạt cho người dân, kể cả những nơi có khả năng bị thiếu nước như ở huyện miền núi Bác Ái, Thuận Nam và vùng hạ lưu của huyện Ninh Hải và Thuận Bắc. Ông Trần Ngọc Hùng - Phó Giám đốc Phụ trách Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận cho biết, Trung tâm hiện có 20 nhà máy cấp nước có nhiệm vụ cấp nước sinh hoạt cho hơn 37.650 hộ dân ở các huyện Bác Ái, Thuận Nam, Ninh Sơn, Thuận Bắc và Ninh Hải. Khó khăn lớn nhất về nước sinh hoạt là ở huyện Bác Ái. Một số nhà máy cấp nước chủ yếu lấy nước thô từ các suối đưa về xử lý nhưng chỉ được trong thời gian ngắn bởi trong thời gian tới nhiều suối sẽ cạn. Trước thực trạng trên, Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Ninh Thuận đang chủ động tập trung nạo vét, thực hiện kết nối liên thông dòng chảy giữa các suối để đưa nước cấp bổ sung cho các nhà máy có nguy cơ bị thiếu nước; đồng thời tùy theo diễn biến của nắng hạn sẽ thực hiện đấu nối liên thông đường ống dẫn nước giữa các nhà máy cấp nước với nhau để cấp nước bổ sung cho những nơi thiếu nước. Ngoài ra Trung tâm tiếp tục đầu tư nâng cấp, mở rộng hệ thống cấp nước nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu nước sinh hoạt cho nhân dân. Ông Đặng Kim Cương - Phó Giám đốc Phụ trách Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận chia sẻ: Nếu xảy ra tình trạng hết nguồn, các con suối cạn kiệt nước, Sở sẽ chỉ đạo Trung tâm Nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn phối hợp với chính quyền địa phương chủ động thực hiện mọi biện pháp chở nước sinh hoạt đến cấp cho người dân. Về lâu dài, Sở Nông nghiệp kiến nghị UBND tỉnh đốc thúc các đơn vị thi công, cụ thể là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thủy lợi 7 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) khẩn trương đấu nối kênh dẫn nước của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ để dẫn nước về một số khu vực có khả năng bị thiếu nước thô để cấp cho các hệ thống cấp nước xử lý. Bên cạnh đó, chỉ đạo UBND huyện Bác Ái phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn khẩn trương đào các tuyến kênh lấy nước tại cửa van TM7 của hệ thống thủy lợi Tân Mỹ dẫn nước về một số suối để phục vụ nước sinh hoạt và nước uống cho gia súc. Tại cuộc họp triển khai công tác chống hạn mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Trần Quốc Nam cũng yêu cầu Ban Xây dựng năng lực và thực hiện các dự án ODA ngành nước tỉnh khẩn trương hoàn thành dự án đầu tư xây dựng công trình đấu nối, mở rộng hệ thống cấp nước Phước Đại - Phước Thành, huyện Bác Ái; hệ thống cấp nước thôn Tà Nôi, huyện Ninh Sơn; dự án đấu nối đường ống cấp nước Phước Trung, huyện Bác Ái cấp cho thôn Suối Le, xã Phước Kháng, huyện Thuận Bắc đã được UBND tỉnh quyết định đầu tư bằng nguồn vốn vay từ Ngân hàng Thế giới (WB3) để đảm bảo điều kiện cấp nước cho một số vùng đang khan hiếm nguồn nước sinh hoạt trên địa bàn hai huyện Bác Ái và Thuận Bắc. Lãnh đạo UBND tỉnh cũng yêu cầu Công ty cổ phần Cấp nước Ninh Thuận (nơi đang cấp nước sinh hoạt cho hơn 82.000 hộ dân ở khu vực thành phố Phan Rang - Tháp Chàm và các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam và Ninh Sơn) tính toán cân đối hợp lý việc lấy nước thô từ đập Lâm Cấm được xả từ hồ Đơn Dương qua hệ thống nhà máy thủy điện Đa Nhim đưa về nhà máy nước Tháp Chàm xử lý. Trong trường hợp xấu nhất, hồ Đơn Dương thiếu nước và xả với lưu lượng ít, không đảm bảo đáp ứng nguồn nước thô thì công ty phải chuẩn bị đầy đủ vật tư, hóa chất, nhân lực nhằm khắc phục ngay các sự cố để giảm thiếu mất nước; đồng thời khẩn trương đấu nối các công trình cấp nước tập trung để hỗ trợ nước thô, nước sạch với nhau, đáp ứng nguồn nước và đảm bảo chất lượng nước cấp cho người dân sinh hoạt.
Công Thử