Cánh đồng lúa xã làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng, huyện Chư Prông thực hiện mô hình xuống giống sớm cho hiệu tránh hạn tốt. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN |
Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn Quốc gia nhận định, hiện tượng El Nino ảnh hưởng đến khí hậu tỉnh Gia Lai với xác suất khoảng 70%. Do vậy, để đảm bảo nước phục vụ sản xuất trên địa bàn, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Gia Lai đã tăng cường kiểm tra giám sát các công trình thủy lợi; đánh giá lượng nước hiện có trên các sông suối và tích nước tại các hồ chứa An Khê-Ka Nak, Sông Ba, Ayun Hạ,Ia Mlá.... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thi công hoàn thành các công trình, hạng mục công trình xây dựng trong năm để phục vụ sản xuất;. Cùng đó, chủ động tổ chức nạo vét kênh mương, các cửa vào cống lấy nước, trạm bơm tưới, ao, giếng, khơi thông dòng chảy. Ông Nguyễn Văn Lương, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Gia Lai cho biết thêm, tỉnh ưu tiên các biện pháp nhằm tận dụng mọi nguồn nước cho sản xuất Đông Xuân. Cùng đó, củng cố hoạt động của các tổ chức hợp tác dùng nước, các đơn vị quản lý, khai thác công trình thủy lợi, vận động người dân tham gia quản lý, điều tiết nguồn nước tưới nhất là các kênh tưới mặt ruộng. Riêng đối với các công trình có khả năng thiếu nước, Gia Lai đã lập kế hoạch tưới luân phiên cho cây trồng một cách hợp lý, ưu tiên nước cho sản xuất chăn nuôi, công nghiệp, tưới cho cây trồng thời kỳ trổ bông, làm đòng. Năm nay, huyện Chư Prông chọn cánh đồng làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng để trồng thử nghiệm lúa nước trước thời gian gieo sạ như những năm trước đây để tránh tình trạng khô hạn. Theo ông Nguyễn Văn Luyến, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông cho biết, năm nay, huyện triển khai trồng thử nghiệm 2,5 ha giống lúa TR1 trên cánh đồng làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng trước mùa vụ khoảng nửa tháng để tránh tình trạng lúa thiếu nước trong giai đoạn trổ đòng như những năm trước. Hiện tại, diện tích lúa này phát triển tốt, khỏe và đang đẻ nhánh trổ đòng. Sau khi mô hình thành công sẽ được nhân rộng ra nhiều diện tích lúa trên địa bàn huyện vào năm sau. Ngoài ra, tỉnh Gia Lai còn đề nghị các địa phương quản lý chặt chẽ nguồn nước, hạn chế rò rỉ thất thoát, sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả; tăng cường vận động sử dụng các biện pháp tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho lúa và các cây trồng có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, theo dõi và điều hòa lượng nước bơm, nước tưới giữa cây cà phê và cây lúa nước, không để xảy ra việc tranh chấp điện, nước phục vụ sản xuất trong nhân dân. Ông Rơ Mah Ban, làng Klũh Lãh, xã Ia Boòng cho biết, 13 hộ dân tộc thiểu số của làng đã được chính quyền huyện Chư Prông cấp giống lúa Hương thơm TR1, phân bón để trồng thử nghiệm mô hình chống hạn. Bình thường thì đầu tháng 12 người dân mới tiến hành sạ lúa nhưng với mô hình chống hạn này thì ngày 15/11 đã xuống giống. Ngoài giống và phân bón, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Prông còn tập huấn kỹ thuật trồng lúa nước, xuống tận ruộng hướng dẫn cách xuống giống, chăm sóc, rải vôi, khử phèn, khơi thông nguồn nước. Nhờ vậy, diện tích lúa năm nay phát triển tốt hơn năm ngoái vì đủ nước để lúa trổ đòng. Thấy mô hình hiệu quả, rất nhiều hộ dân trong làng đăng ký mô hình này trong năm sau. Tình trạng thiếu nước tưới cây công nghiệp vào mùa khô cũng là mối lo của nông dân Gia Lai nên ngay từ những ngày đầu Tết Nguyên đán, nhiều hộ dân đã thức trắng đêm để tưới cây cà phê. Chị Phạm Thùy Dung, xã Ia Tô, huyện Ia Grai cho biết, do năm ngoái cà phê mất mùa, ít trái nên năm nay người dân khu vực này đều cố công chăm sóc lại vườn cây. Hằng năm, mùa khô hạn, thiếu nước bắt đầu ngay sau Tết Nguyên đán nên người dân ăn Tết xong đều tập trung tưới để cây trổ bông. Chính vì thế, gia đình đã tranh thủ tưới diện tích cà phê của gia đình để hạn chế tình trạng tranh chấp nguồn nước tưới.
Hồng Điệp