Bánh kẹo truyền thống đón Tết sớm

Bánh kẹo truyền thống đón Tết sớm
Mùa bánh kẹo Tết Nguyên đán khởi động khá sớm nhưng thời điểm này mới là lúc nhộn nhịp nhất.
Mùa bánh kẹo Tết Nguyên đán khởi động khá sớm nhưng thời điểm này mới là lúc nhộn nhịp nhất.

Nếu lượn một vòng các chợ lớn, chợ nhỏ vào những ngày giáp tết, hẳn ai cũng thấy trên khắp các con phố bày bán bánh, kẹo với đủ loại thương hiệu khác nhau. Không ít những sản phẩm có xuất xứ tại Hậu Giang.

Cứ vào tháng 11 âm lịch, những cơ sở bánh kẹo truyền thống lại rộn ràng vào vụ. Mùa bánh kẹo tết khởi động khá sớm nhưng thời điểm này mới là lúc nhộn nhịp nhất. Nằm cách trung tâm thành phố Vị Thanh chưa đầy 10km, cơ sở Mã Phước, ở xã Vị Tân, năm nay vào vụ sớm. Ở cơ sở Mã Phước, số lượng lao động đã tăng trên 10 người. Phía trước nhà, 4 công nhân miệt mài với công đoạn gọt vỏ bí; còn ông Mã Phước, chủ cơ sở, đang hì hục bên máy tạo hình cho mứt bí. Ngoài khâu tạo hình có thể sử dụng máy thì hầu như mọi công đoạn làm mứt đều thao tác thủ công. Thế nhưng, tất cả đều theo một dây chuyền sản xuất bài bản. Ông Mã Phước cho biết: “Cơ sở của chúng tôi đã bắt đầu vào vụ khoảng trung tuần tháng 11 âm lịch. Năm nay, giá cả các nguyên liệu như đường hay bí đao vẫn ổn định như mọi năm nên thấy việc làm ăn khả quan lắm. Ngoài bỏ mối cho các chợ, gia đình còn xuất bán ở các tỉnh lân cận với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg. Dự tính mùa này cơ sở cho ra lò hơn 15 tấn mứt. Mấy hôm nay, nhiều mối đã bắt đầu đến lấy hàng và đặt hàng”.

Không khí bận rộn ở các cơ sở làm cho những ngày giáp tết nhộn nhịp hơn. Tại trung tâm thành phố Vị Thanh, cơ sở Song Phụng của anh Lưu Vĩnh Thuận cũng đang tất bật cho “ra lò” những mẻ kẹo đậu phộng thơm ngon, an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tết. Gần chục công nhân luôn tay với công việc, người rang đậu, người nấu đường với mạch nha, người trộn đậu phộng với hỗn hợp đường, mạch nha đã nấu chín. Số người khác ngồi bên dây chuyền đóng gói. Những đôi bàn tay khéo léo, nhanh nhẹn hòa theo nhịp đưa của máy đóng gói rất nhịp nhàng. Đây không chỉ là công việc mưu sinh của gia đình hay giải quyết việc làm cho lao động mà còn hàm chứa cả tinh thần nâng niu, giữ gìn những giá trị văn hóa truyền thống. Theo anh Lưu Vĩnh Thuận, sản xuất ra được sản phẩm truyền thống không còn vất vả như trước nhưng việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ lại khó khăn bội phần. Vì vậy, người làm bánh kẹo còn bám trụ đến nay là cả quá trình cố gắng, nỗ lực. Hơn hết đó chính là tâm huyết mong muốn gìn giữ cái nghề cho con cháu. Năm nay, đầu ra của sản phẩm khá tốt nên cơ sở Song Phụng tập trung cho các đơn vị kinh doanh lớn. 

Chính sự mạnh dạn thay đổi tư duy, đổi mới công nghệ đã giúp nhiều cơ sở có thêm cơ hội để phát triển hơn. Đặc biệt, quy trình sản xuất kẹo đậu phộng truyền thống này đã thay dần bằng máy móc hiện đại. Đó là máy cắt, đóng gói từng thanh kẹo, máy dập túi. Anh Lưu Vĩnh Thuận khoe: “Cơ sở mới đầu tư thêm máy đóng gói kẹo mới nhờ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến công tỉnh. Nhờ máy này, công lao động được tăng lên rõ rệt. Sản phẩm làm ra nhiều gấp đôi so với các vụ trước. Những chiếc kẹo thành phẩm được bảo quản tốt hơn, mẫu mã cũng phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng”.

Mấy năm gần đây, bánh kẹo truyền thống sản xuất ở Hậu Giang đã được người tiêu dùng quan tâm. Vì vậy, thương hiệu bánh, kẹo của các cơ sở này tiêu thụ nhiều hơn. Theo đó, người làm nghề thêm tinh thần phấn đấu nâng cao chất lượng sản phẩm để giữ uy tín với khách hàng. Về vấn đề vệ sinh, an toàn thực phẩm, ông Mã Phước khẳng định, cơ sở phải biết chấp nhận lắng nghe những góp ý từ khách hàng. Từ đó rút kinh nghiệm và tìm cách nâng cao tên tuổi của cơ sở. Hiện tại, khâu an toàn vệ sinh được ông Mã Phước đặt lên hàng đầu. “Các khâu sơ chế, sản xuất và đóng gói được bố trí hợp lý. Chưa kể nơi bỏ vỏ bí cũng đặt xa nơi sản xuất hàng trăm mét và được xử lý cẩn thận, không để bà con hàng xóm phàn nàn. Niềm vui lớn nhất là bà con đã đón nhận sản phẩm mình làm ra”, ông Mã Phước chia sẻ.

Phòng Kỹ thuật An toàn Môi trường, Sở Công thương Hậu Giang, cho biết toàn tỉnh chỉ có 16 cơ sở chuyên sản xuất các loại bánh, kẹo truyền thống. Trong đó, thành phố Vị Thanh có 6 cơ sở và thị xã Ngã Bảy 6 cơ sở, huyện Phụng Hiệp 3 cơ sở và Long Mỹ 1 cơ sở đang hoạt động. Tuy nhiên, mùa tết này đa phần các cơ sở làm bánh đã tạm ngưng hoạt động. Một số khác hoạt động còn tâm lý dè chừng, từ chối chia sẻ khi phóng viên tiếp xúc. 

Bánh kẹo truyền thống thường được làm thủ công, thời hạn bảo quản ngắn nên không có bất kỳ chất phụ gia, chất bảo quản nào. Vì những lý do này, người tiêu dùng có thể yên tâm sử dụng. Những ngày này, các cơ sở nghề truyền thống phục vụ tết đã thực sự “thức giấc” nhưng làm sao các nghề có thể lưu giữ lâu dài vẫn còn là bài toán chưa có lời giải.
Báo Hậu Giang

Có thể bạn quan tâm