Bằng chứng cho thấy điều trị kháng thể đơn dòng có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong

Bằng chứng cho thấy điều trị kháng thể đơn dòng có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong

Đại dịch COVID-19 đã lây lan nhanh chóng và rộng khắp, dẫn đến sự xuất hiện của các biến thể mới. Hiện tượng này làm gia tăng đột biến tỷ lệ lây nhiễm trong số những người được tiêm chủng. Trong khi đó, tỷ lệ người dân chưa được tiêm chủng vẫn ở mức cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Những nguyên nhân này cho thấy tầm quan trọng của việc phát triển các phương pháp điều trị hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2.

Bằng chứng cho thấy điều trị kháng thể đơn dòng có thể giúp giảm tỷ lệ bệnh nhân COVID-19 tử vong ảnh 1Hỗn hợp kháng thể Evusheld điều trị COVID-19 do AstraZeneca sản xuất. Ảnh: REUTERS/TTXVN

Trong một nghiên cứu mới được công bố trên chuyên trang y khoa medRxiv, các nhà nghiên cứu tìm ra bằng chứng cho thấy hiệu quả của kháng thể đơn dòng (nmAb) trong việc điều trị COVID-19.

Một số nmAb đang được sử dụng rộng rãi để điều trị các trường hợp mắc COVID-19 biểu hiện triệu chứng sớm nhằm ngăn nguy cơ bệnh trở nặng. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu vẫn chưa chắc chắn về hiệu quả của nmAb đối với biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, liệu chúng có hoạt động hiệu quả ở bệnh nhân đã được tiêm chủng hay không và liệu chúng có thực sự ngăn ngừa tử vong hay không.

Trên thực tế, thật khó để trả lời dứt khoát những câu hỏi này, do bệnh nhân chần chừ tiếp nhận phương pháp điều trị và vì nhiều bác sĩ không sẵn sàng kê đơn bệnh nhân sử dụng giả dược. Kết quả là hầu hết dữ liệu về hiệu quả của nmAb cho đến nay được thu thập thông qua việc quan sát.

Nghiên cứu mới nhất này nhằm mục đích đánh giá hiệu quả của liệu pháp nmAb dựa trên các dữ liệu trong thực tế. Được thực hiện đối với một nhóm gồm 9.500 bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành, nghiên cứu sử dụng hồ sơ y tế kỹ thuật số có sẵn trong hệ thống chăm sóc y tế cấp bang, bên cạnh hồ sơ tiêm chủng và tử vong trên toàn bang. Tỷ lệ được áp dụng là cứ một bệnh nhân áp dụng liệu pháp nmAb, thì sẽ có 2,5 bệnh nhân dùng giả dược. Hơn 40% số người tham gia nghiên cứu này là ở độ tuổi 65 trở lên, 50% là những người thừa cân hoặc béo phì và 75% là các trường hợp mắc một hoặc nhiều bệnh nền.

Các nhà nghiên cứu tập trung theo dõi tỷ lệ nhập viện sau 28 ngày kể từ khi áp dụng phương pháp điều trị này, bên cạnh tỷ lệ tử vong và mức độ nghiêm trọng của bệnh khi bệnh nhân nhập viện.

Kết quả nghiên cứu cho thấy tỷ lệ nhập viện ở những người áp dụng liệu pháp nmAb chỉ ở mức 4%, trong khi nhóm còn lại là 7,7%. Điều này cho thấy tỷ lệ nhập viện đã giảm 50% khi ứng dụng điều trị nmAb. Tỷ lệ tử vong cũng giảm 90% ở những bệnh nhân sử dụng nmAb. Những sự khác biệt này có thể nhận thấy rõ trong 28 ngày sau khi thực hiện liệu trình điều trị và kéo dài cho đến ngày thứ 90.

Ở ngày thứ 90, các kết quả nghiên cứu cho thấy nguy cơ nhập viện giảm khoảng 50%, trong khi tỷ lệ tử vong cũng giảm hơn 80% ở những người được điều trị bằng nmAb. Nếu phải nhập viện, thời gian điều trị của họ cũng ngắn hơn, chỉ tối đa 6 ngày, trong khi những người không sử dụng nmAb phải điều trị hơn 8 ngày. Ngoài ra, nguy cơ nhập viện để chăm sóc đặc biệt (ICU) của nhóm điều trị bằng nmAb cũng giảm 50% so với nhóm còn lại. Tỷ lệ cần thở máy của những người dùng nmAb cũng ở mức dưới 5%, trong khi ở nhóm còn lại là 16%. Đối với bệnh nhân ICU, thời gian điều trị trong bệnh viện ít hơn 4 ngày nếu dùng nmAb, trong khi nhóm còn lại là hơn 8 ngày.

     Thanh Phương 

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm