Bàn giải pháp mang lại giá trị gia tăng cho ngành hàng cà phê Đắk Lắk

Ngày 28/11, UBNDtỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị Tổng kết đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND của HĐND tỉnh về phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 (Nghị quyết 24); Tổng kết niên vụ cà phê 2023 - 2024.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương phát biểu khai mạc Hội nghị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Tỉnh Đắk Lắk là thủ phủ cà phê của Việt Nam với diện tích và sản lượng đứng đầu cả nước, chiếm khoảng 30% diện tích cà phê cả nước và chiếm 33,19% diện tích cà phê vùng Tây Nguyên. Thực hiện Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, UBND tỉnh Đắk Lắk đã phê duyệt Đề án Phát triển cà phê bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 2811/QĐ-UBND ngày 10/10/2017, với tổng kinh phí thực hiện 2.939 tỷ đồng.

Mục tiêu của Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, giai đoạn 2016 - 2020, diện tích cà phê toàn tỉnh giảm còn 180.000 ha, sản lượng bình quân đạt 450.000 tấn/năm, năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha. Tuy nhiên, diện tích cà phê trên địa bàn thời gian qua có chiều hướng tăng, từ 203.737 ha năm 2016 lên 212.106 ha năm 2023. Tổng diện tích cà phê có chứng nhận của tỉnh đến tháng 12/2023 đạt hơn 30.317 ha, với 23.291 hộ tham gia.

Về tái canh cà phê, theo mục tiêu của Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND, diện tích cần tái canh là 32.335 ha cà phê, Đến năm 2020, tỉnh đã tái canh 35.408 ha cà phê, đạt 109,5% mục tiêu Nghị quyết. Ngoài ra, Kế hoạch tái canh của UBND tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 là 24.441,78 ha. Giai đoạn 2021 - 2024, toàn tỉnh đã tái canh đạt 15.467,4 ha cà phê.

vna_potal_dak_lak_tong_ket_danh_gia_ket_qua_thuc_hien_nghi_quyet_24_cua_hdnd_tinh_ve_phat_trien_ca_phe_ben_vung_7728011.jpg
Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Văn Nhiệm đánh giá công tác xúc tiến thương mại và xuất khẩu cà phê niên vụ 2023 – 2024. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN.

Niên vụ cà phê 2023 - 2024 được đánh giá là niên vụ có giá cà phê tăng cao kỷ lục, tuy nhiên cũng đối diện với tình trạng “mất mùa, được giá” do biến đổi khí hậu, hạn hán, sâu bệnh khiến sản lượng cà phê sụt giảm mạnh. Diện tích cà phê niên vụ 2023 - 2024 đạt 212.106 ha, trong đó diện tích cho sản phẩm 200.441 ha, năng suất bình quân đạt 26,72 tạ/ha; tổng sản lượng đạt 535.672 tấn, giảm 23.057 tấn so với niên vụ trước.

Về xuất khẩu, niên vụ cà phê 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk xuất khẩu được 264.404 tấn cà phê, giảm 54.095 tấn so với niên vụ 2022 - 2023; kim ngạch xuất khẩu đạt 915,795 triệu USD, tăng 168,238 triệu USD so với niên vụ trước.

Theo Chi Cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hắc Hiển, sản xuất cà phê của tỉnh vẫn đối mặt với một số thách thức, tồn tại như: Diện tích cà phê già cỗi hết chu kỳ kinh doanh cần tái canh chiếm tỷ lệ lớn; hình thức tổ chức sản xuất cà phê chủ yếu là sản xuất cá thể, quy mô nhỏ lẻ, manh mún; gần 90% diện tích cà phê của tỉnh là do nông dân tự trồng, chăm sóc và quản lý, làm cho chất lượng sản phẩm cà phê của tỉnh chưa cao và thiếu ổn định. Việc áp dụng quy trình sản xuất cà phê có chứng nhận đạt 80% đến năm 2020 theo Nghị quyết số 24/2017/NQ-HĐND là khó thực hiện, vì hiện nay các công ty thu mua cà phê có chứng nhận như 4C, UTZ, RFA... hầu hết đã có vùng nguyên liệu và thị trường ổn định.

vna_potal_dak_lak_tong_ket_danh_gia_ket_qua_thuc_hien_nghi_quyet_24_cua_hdnd_tinh_ve_phat_trien_ca_phe_ben_vung_7728013.jpg
Đại biểu tham dự Hội nghị. Ảnh: Hoài Thu – TTXVN

Ngoài ra, để đạt các chứng nhận cà phê bền vững, các hộ dân phải tự bỏ kinh phí để tham gia, đây cũng là nguyên nhân hạn chế diện tích cà phê có chứng nhận. So với cà phê nhân thì xuất khẩu cà phê hòa tan và các sản phẩm cà phê chế biến khác vẫn chiếm tỷ lệ thấp, chưa mang lại nhiều giá trị gia tăng cho ngành cà phê Đắk Lắk. Việc tuyên truyền, vận động người dân thực hiện chuyển đổi diện tích cà phê không phù hợp sang các loại cây trồng khác khó thực hiện, do một số gia đình ngại mất nguồn thu nhập vì cây cà phê là nguồn thu nhập chính của đại đa số người dân.

Phát biểu tại hội nghị, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Hoài Dương cho biết: cây cà phê vẫn là sản phẩm nông nghiệp chủ lực trong cơ cấu nền kinh tế của tỉnh, là sản phẩm chiếm tỷ trọng lớn trong tổng sản phẩm xã hội và kim ngạch xuất khẩu hàng năm. Đặc biệt, trong niên vụ 2023 - 2024, tỉnh Đắk Lắk đã mở rộng, phát triển được sản phẩm cà phê đặc sản, đây là hướng phát triển mới, phù hợp với nhu cầu tiêu dùng trên thế giới.

Trong niên vụ tới, các địa phương cần chú trọng nâng cao năng suất, chất lượng cà phê; khuyến khích các nông hộ đầu tư, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác và trồng xen; phát triển nhiều hơn nữa các vùng trồng cà phê đặc sản; tăng cường kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư vào chế biến sâu; đồng thời, cần thúc đẩy tiêu thụ thị trường trong nước và đẩy mạnh bảo hộ cà phê có Chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột trên các thị trường nước ngoài.

Ngoài ra, tỉnh xây dựng vườn sản xuất hạt giống cà phê vối bằng các dòng vô tính chọn lọc, nghiên cứu, lai tạo, tuyển chọn các dòng cà phê vối đạt năng suất cao, chất lượng tốt, kháng bệnh gỉ sắt, chống chịu hạn; tập trung sản xuất cà phê vùng nguyên liệu tập trung quy mô lớn, có chứng nhận; đầu tư hạ tầng giao thông nội đồng, hệ thống điện, cải tạo nâng cấp hệ thống thủy nông, áp dụng công nghệ tưới tiên tiến tiến kiệm nước, tưới phun mưa, hệ thống cảm biến ẩm độ, dinh dưỡng… đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Hoài Thu

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm