Ông Huỳnh Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh cho biết, mô hình “Cây xoài nhà tôi” được hợp tác xã xoài Mỹ Xương triển khai vào tháng 9/2016. Thông qua website https://xoaicaolanh.com.vn khách hàng có thể nắm được thông tin và hình ảnh liên quan đến chiều cao, đường kính tán, năm tuổi, năng suất bình quân, chủng loại... Tùy vào chủng loại và năm tuổi mà từng cây xoài sẽ có giá bán khác nhau, mức giá trung bình vào khoảng từ 3 - 5 triệu đồng/cây/năm. Ông Sơn cho biết thêm, có ba loại xoài được đưa vào danh mục lựa chọn là xoài cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài tượng da xanh (còn gọi là xoài Đài Loan). Những cây xoài được chọn đưa rao bán được đảm bảo các tiêu chí cho trái đều, sinh trưởng tốt và đặc biệt được trồng theo tiêu chuẩn VietGAP. Theo thỏa thuận, khi mua, trong suốt 1 năm, với hai vụ thu hoạch, người mua được hưởng toàn bộ số trái trên cây. Theo ước lượng, khách hàng có thể thu từ 100kg - 150kg/cây (nếu trúng mùa) hoặc 70kg/cây (nếu mất mùa) và sẽ được đóng gói chuyển đến tận nhà người mua. Ngoài ra, người sở hữu “cây xoài nhà tôi” còn có thể đến thăm hoặc quan sát từ xa qua hình ảnh được cập nhật trên website. Người tiêu dùng sẽ được sử dụng những trái xoài có đầy đủ nguồn gốc, tường tận cách chăm sóc và không mua nhầm hàng kém chất lượng mà giá cao. Là một trong những người tiên phong thực hiện mô hình, ông Nguyễn Văn Truyện ngụ xã Mỹ Xương, huyện Cao Lãnh cho biết, mô hình mới này giúp người nông dân an tâm sản xuất hơn bởi giá cả đã được thỏa thuận, không theo kiểu “được mùa, rớt giá”. Điều quan trọng hơn là người nông dân cảm nhận được sự chia sẻ của khách hàng. Số tiền ký kết ban đầu với khách hàng cũng tạo điều kiện cho nông dân giảm một phần chi phí đầu tư sản xuất. Khác với hình thức buôn bán, trao đổi truyền thống, người bán – người mua trong quá trình bán online không gặp được nhau. Chính lúc này, chữ tín và “trách nhiệm” là điều để gắn kết và giữ gìn mối quan hệ. Đối với người bán, điều này còn giá trị hơn vàng. Cây xoài một khi đã có người sở hữu, điều kiện đi kèm là phải có một mã số nhất định để khách hàng tiện theo dõi, quá trình chăm sóc phải theo đúng thỏa thuận, cam kết ban đầu - ông Truyện chia sẻ. Được biết, với ý tưởng kinh doanh rất độc đáo này, đơn vị hợp tác xã xoài Mỹ Xương đã nhận được khá nhiều đơn hàng trồng xoài qua mạng từ thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội,… Theo đại diện của phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cao Lãnh, hiện tại, địa phương đang nâng cấp trang web xoaicaolanh.com.vn để việc truy cập thuận tiện hơn, góp phần thông thương hóa quá trình giao dịch giữa người mua và người bán. Đối với các sản phẩm xoài, huyện Cao Lãnh đang phối hợp cùng các đơn vị từng bước ứng dụng công nghệ blockchain để rõ ràng hóa thông tin. Cao Lãnh có khoảng 3.600 ha trồng xoài với sản lượng, là địa phương sản xuất xoài lớn nhất tỉnh Đồng Tháp. Hiện xoài là một trong năm ngành hàng chủ lực của tỉnh và xoài Cao Lãnh cũng đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. Đồng Tháp đang tiến hành lập thủ tục, hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng nông sản này.
Chương Đài