Bạc Liêu vừa phòng dịch COVID-19 vừa phát triển du lịch

Bạc Liêu vừa phòng dịch COVID-19 vừa phát triển du lịch

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu (từ ngày 23 tháng Chạp đến hết mùng 5 Tết), lượng khách đến các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu có tăng nhưng không đáng kể. Cụ thể, có khoảng 95.000 lượt người, trong đó khoảng 8.150 lượt khách sử dụng dịch vụ lưu trú. Doanh thu dịch vụ du lịch của tỉnh đạt khoảng 17,5 tỷ đồng.

Bạc Liêu vừa phòng dịch COVID-19 vừa phát triển du lịch ảnh 1Chùa Xiêm Cán-điểm du lịch tâm linh nổi tiếng của Bạc Liêu cũng vắng du khách do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Ảnh: Chanh Đa-TTXVN

Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết: Để đảm bảo an toàn cho người dân, dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu, Sở đã ban hành công văn gửi các khu, điểm du lịch, di tích lịch sử - văn hóa, đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch trong tỉnh chuẩn bị tốt điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực sẵn sàng phục vụ khách du lịch và chủ động phòng, chống dịch COVID-19.

Sở chỉ đạo các khu, điểm tham quan du lịch, cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh sắp xếp lại hệ thống bán hàng lưu niệm, vệ sinh, phòng, chống cháy nổ; bố trí đủ lực lượng, cơ sở vật chất, thực phẩm và điều kiện cần thiết để phục vụ du khách… Sở thông báo đến các cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định; chủ động và thường xuyên vệ sinh, khử trùng, theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe du khách đang lưu trú tại cơ sở mình quản lý...

Sở cũng phối hợp với lực lượng chức năng tuyên truyền đến du khách thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, nơi tập trung đông người, giữ khoảng cách nơi công cộng. Mỗi du khách cần nâng cao ý thức cảnh giác, thực hiện nghiêm biện pháp phòng, chống dịch trong tình hình mới…

Thời gian tới, Bạc Liêu vừa tiếp tục phòng, chống dịch COVID-19 vừa phát triển du lịch. Ngoài công tác phòng dịch, tỉnh tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng các điểm du lịch đã được quy hoạch (đầu tư dự án xây dựng tàu du lịch Tắc Sậy - Đông Hải, điểm du lịch - dịch vụ Tắc Sậy, điểm du lịch vườn chim Lập Điền, huyện Đông Hải; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án Khu nhà Công tử Bạc Liêu theo định hướng đầu tư toàn khu thành Khu Bảo tồn văn hóa, kiến trúc và thương mại - dịch vụ - du lịch).

Tỉnh Bạc Liêu tích cực thu hút đầu tư, phát triển các khu, tuyến du lịch sinh thái ven biển, dự án kết hợp điện gió với du lịch, dự án xây dựng khu quần thể sân golf, resort, biệt thự nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp ven biển... Đặc biệt quản lý, khai thác, tổ chức tốt các dịch vụ du lịch gắn với truyền thống lịch sử - văn hóa địa phương (Di tích lịch sử Khu Căn cứ Tỉnh ủy Bạc Liêu, Vườn chim Bạc Liêu, di tích lịch sử Đền thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh -xã Châu Thới...).

Bạc Liêu tiếp tục thực hiện Đề án phát triển sản phẩm du lịch tham quan, trải nghiệm, mua sắm tại khu nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao của Tập đoàn Việt - Úc; khai thác chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mô hình trải nghiệm thực tế quy trình sản xuất, thu hoạch và mua sắm các sản phẩm, quà du lịch chế biến từ muối sẽ được nghiên cứu triển khai phục vụ phát triển ngành công nghiệp không khói.

Tỉnh phấn đấu đến năm 2025, ngành Du lịch có hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật tương đối đồng bộ, sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc Bạc Liêu, mang tính cạnh tranh cao trong khu vực và cả nước.

Ngành Du lịch Bạc Liêu phấn đấu thu hút 7 triệu lượt khách, tổng doanh thu du lịch đạt 10.000 tỷ đồng, đóng góp 7% GRDP của tỉnh, giải quyết việc làm cho 30.000 lao động, trong đó có 12.000 lao động trực tiếp. Toàn tỉnh có 15 điểm du lịch, một khu du lịch cấp tỉnh được công nhận và nằm trong danh mục các khu vực có tiềm năng phát triển du lịch quốc gia.

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm