Bạc Liêu thu hút trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn

Bạc Liêu thu hút trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Lâm Thị Sang cho biết, sau 5 năm thực hiện Đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn giai đoạn 2013 - 2020 (Đề án 500 trí thức trẻ), Bạc Liêu đã đạt những kết quả khả quan.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu, các trí thức trẻ khi được phân công về xã công tác được Đảng ủy, UBND và các Ban, ngành, đoàn thể các cấp có liên quan thường xuyên quan tâm, ủng hộ, động viên, tạo điều kiện thuận lợi và phân công theo năng lực, sở trường để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Hầu hết các trí thức trẻ về xã công tác được phân công nhiệm vụ công tác đúng ngành nghề được đào tạo. Qua 5 năm công tác ở cơ sở, hầu hết các đội viên đều được đưa vào danh sách quy hoạch nhân sự Đại hội Đảng bộ cấp cơ sở nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt đạt được, trong quá trình triển khai thực hiện Đề án vẫn còn tồn tại một số hạn chế: Trình độ chuyên môn, kiến thức quản lý nhà nước của trí thức trẻ chưa đồng đều. Tác phong, lề lối làm việc của một số trí thức trẻ chưa khoa học nên còn thiếu mạnh dạn, quyết đoán, ngại va chạm, chưa có những tham mưu, đề xuất mang tính đột phá. Việc bố trí, sắp xếp các đội viên giữ chức danh cán bộ, công chức cấp xã còn khó khăn do không còn vị trí để sắp xếp, bố trí…

Để Đề án 500 trí thức trẻ đạt được kết quả tốt hơn trong thời gian tới, tỉnh kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài thời gian thực hiện Đề án đến hết năm 2022 để tạo điều kiện sắp xếp, bố trí đội viên sau Đại hội Đảng bộ ở cấp huyện, cấp xã.

Bộ Nội vụ hướng dẫn giải quyết chế độ, chính sách đối với đội viên Đề án sau khi hoàn thành nhiệm vụ (kết thúc đề án) nhưng không được bố trí sử dụng; cấp giấy chứng nhận đối với đội viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trong 5 năm thực hiện đề án thí điểm tuyển chọn trí thức trẻ tình nguyện về các xã tham gia phát triển nông thôn, miền núi giai đoạn 2013 – 2020…

Để triển khai thực hiện Đề án, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ phối hợp với các Sở, ban, ngành cấp tỉnh có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc phạm vi điều chỉnh của Đề án tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nội vụ, đồng thời phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Bạc Liêu tổ chức tuyên truyền, thông báo rộng rãi trên các phương tiện truyền thông đại chúng để các ứng viên biết, tìm hiểu thông tin và đăng ký tham gia đề án.

Theo đó, tỉnh đã có 27 ứng viên đăng ký tham gia, qua tổ chức tuyển chọn, sát hạch. UBND tỉnh đã phân công, bố trí 8 đội viên thuộc Đề án về công tác tại 8 xã: Hiệp Thành, Vĩnh Trạch Đông (thành phố Bạc Liêu); Vĩnh Hậu, Vĩnh Hậu A (huyện Hòa Bình); An Phúc, Long Điền Đông, Điền Hải, Long Điền Tây (huyện Đông Hải), phụ trách ở các lĩnh vực: Tài chính - Kế toán, Văn phòng - Thống kê, Văn hóa - Xã hội, Địa chính - Nông nghiệp - Xây dựng và Môi trường. Hiện Bạc Liêu còn 6 trí thức trẻ tiếp tục tham gia Đề án. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh đã chi trả chế độ, chính sách cho các đội viên hơn 3,4 tỷ đồng. 

Nhật Bình

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm