Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh

Ngày 29/12, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều chủ trì Hội nghị đối thoại với nông dân trong tỉnh chủ đề “Các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nông dân trong sản xuất, kinh doanh”. Hội nghị có sự tham dự của lãnh đạo các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố cùng hơn 100 nông dân.

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ảnh 1 Chủ tọa điều hành Hội nghị. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN.

Theo Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu, tại Hội nghị đối thoại giữa Chủ tịch UBND tỉnh và nông dân năm 2019 có 38 vấn đề, kiến nghị đặt ra. Qua đó, 30 vấn đề, kiến nghị đã được giải quyết, tháo gỡ, còn 8 vấn đề cần có thời gian, lộ trình, nguồn lực… thực hiện.

Tại Hội nghị lần này, trên 60 câu hỏi, đề xuất, kiến nghị được gửi tới Chủ tịch UBND tỉnh với các nhóm vấn đề về: môi trường; vốn đầu tư cơ sở hạ tầng, bảo hiểm; hỗ trợ vốn, tín dụng đầu tư sản xuất; đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện để nông dân thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp...

Đáng chú ý, nhiều ý kiến phát biểu về vấn đề ô nhiễm nguồn nước trong nuôi trồng thủy sản do chất thải của mô hình nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao chưa được xử lý hiệu quả. Nếu không có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời ảnh hưởng lớn đến môi trường nước nói chung và nguồn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản nói riêng.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Quý Hưng, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình phản ánh, khoảng 5 năm trở lại đây, tình hình nuôi tôm ở các xã tuyến ven biển gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính do diễn biến bất lợi của thời tiết, môi trường nuôi bị ô nhiễm. Ông Nguyễn Quý Hưng đề nghị, Chủ tịch UBND tỉnh có giải pháp giảm thiểu tác động của môi trường, khí hậu trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nói chung, nuôi tôm nói riêng.

Trả lời vấn đề này, đại diện Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Bạc Liêu nhìn nhận, về nuôi tôm siêu thâm canh, tỉnh đã có quy hoạch vùng nuôi. Tuy nhiên, một số trường hợp nuôi tự phát dẫn đến ảnh hưởng tới môi trường. Thời gian tới, Nhà nước sẽ đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng. Bà con cần thực hiện nuôi đúng quy hoạch; chấp hành tốt quy định vùng nuôi, quy trình nuôi tôm. Cơ quan chức năng tăng cường thanh, kiểm tra, hướng dẫn bà con chuyển đổi theo mô hình nuôi tôm công nghệ cao, xử lý chất thải hiệu quả.

Nông dân Trần Đức Quý, xã Long Điền Tây, huyện Đông Hải cho biết, mô hình nuôi lươn, cá sấu thương phẩm được nhiều hội viên nông dân đầu tư. Tuy nhiên, giá lươn thương phẩm thấp, giao động từ 100.000 đến 120.000 đồng, cá sấu bán đồng giá 500.000 đồng/con 10kg. Với mức giá như vậy, đa số hộ nuôi không có lãi, một số bị lỗ. Từ đó, nông dân kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh có giải pháp tìm đầu ra cho con lươn và cá sấu thương phẩm.

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ảnh 2Ông Nguyễn Quý Hưng, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình, kiến nghị cần có giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong nuôi tôm. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN.

Về vấn đề này, ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết, phong trào nuôi lươn của tỉnh phát triển mạnh nhưng còn nhiều bấp bênh. Trong quá trình đó, các đơn vị chuyên môn tổ chức lớp tập huấn về kỹ thuật nuôi. Bà con cần tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, hình thành tổ hợp tác, hợp tác xã để hạ giá thành và chủ động liên kết đảm bảo đầu ra.

Đối với sản xuất lúa, ông Phạm Văn Hoài, xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân phản ánh, nông dân luôn chịu cảnh “được mùa, mất giá”. Các doanh nghiệp thường không mua trực tiếp của nông dân, phải thông qua thương lái. Nông dân không quyết định được giá bán, thường do thương lái quy định dẫn đến bị ép giá. Ông Phạm Văn Hoài kiến nghị cơ quan chức năng hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, tránh tình trạng “được mùa, mất giá”.

Ông Lưu Hoàng Ly, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bạc Liêu cho biết rất chia sẻ với nông dân về vấn đề này. Đây là thực trạng chung trong sản xuất nông nghiệp các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Đối với tỉnh Bạc Liêu, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tích cực đẩy mạnh thực hiện liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, nhất là trong canh tác lúa. Thông qua liên kết sẽ từng bước hạn chế điệp khúc “được mùa, mất giá”.

Kết luận tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều cho biết rất vui khi thấy đại biểu dự hội nghị đã phát huy tốt tinh thần thẳng thắn, cởi mở. Các ý kiến, kiến nghị nêu rất cụ thể. Các cơ quan, đơn vị tham gia trả lời tâm huyết và trách nhiệm.

Ông Phạm Văn Thiều cho biết, thời gian tới, địa phương tiếp tục quan tâm nâng cao vai trò, vị thế, năng lực làm chủ của nông dân, nhất là trình độ theo hướng “tri thức hóa nông dân” để làm chủ công nghệ trong sản xuất, kinh doanh, có thể làm giàu từ nông nghiệp, xây dựng người “Nông dân chuyên nghiệp”.

Người đứng đầu chính quyền tỉnh Bạc Liêu đề nghị các sở, ban, ngành nghiêm túc tiếp thu ý kiến, kiến nghị của nông dân và các hợp tác xã nông nghiệp trực tiếp đặt ra tại Hội nghị để kịp thời giải quyết theo thẩm quyền. Đồng thời tiếp tục tham mưu đề xuất với UBND tỉnh giải pháp khai thác tiềm năng, thế mạnh địa phương, ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm giảm chi phí đầu vào, nâng cao giá trị trên cùng một diện tích.

Bạc Liêu tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh ảnh 3Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ông Phạm Văn Thiều gợi ý cần tổ chức thêm nhiều diễn đàn, buổi gặp gỡ, đối thoại để nông dân có cơ hội giao lưu, bày tỏ chính kiến, tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình.

Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, Hội Nông dân các cấp tập trung thực hiện tốt vai trò “trung tâm và nòng cốt” trong triển khai phong trào nông dân và xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, chương trình mỗi xã một sản phẩm. Cùng với đó, tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động theo hướng sáng tạo, sâu sát cơ sở, nắm bắt và tham mưu giải quyết kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nông dân; bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của nông dân, gắn bó mật thiết với nông dân, vì nông dân.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm