Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa

Chùa Xiêm Cán - điểm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN
Chùa Xiêm Cán - điểm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ngày 29/11, UBND tỉnh Bạc Liêu tổ chức hội thảo phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực Vườn nhãn và chùa Xiêm Cán, xã Vĩnh Trạch Đông, thành phố Bạc Liêu. Đây là hoạt động trong chuỗi sự kiện Ngày hội Văn hóa - Du lịch Bạc Liêu và Lễ hội Dạ cổ hoài lang năm 2022.

Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa ảnh 1Thượng tọa Dương Quân, Trụ trì Chùa Xiêm Cán nhận Quyết định công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy cho biết, những năm qua ngành du lịch của tỉnh có bước phát triển khá, hàng năm lượng khách tăng trung bình 22%, tổng thu từ khách du lịch tăng khoảng 20%. Xét về số lượng khách hàng năm và tổng thu từ ngành du lịch, Bạc Liêu đang đứng thứ 5 trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa ảnh 2Chùa Xiêm Cán - điểm du lịch tiêu biểu của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tỉnh Bạc Liêu có 10/43 điểm du lịch tiêu biểu được Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long công nhận - nhiều nhất so với các tỉnh, thành phố trong Khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, khác biệt nhằm nâng cao thương hiệu, tạo sức hấp dẫn và khả năng cạnh tranh cao như du lịch văn hóa gắn với giá trị đặc sắc của Bản Dạ cổ hoài lang và nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ, sản phẩm du lịch gắn liền với thương hiệu Công tử Bạc Liêu; sản phẩm du lịch văn hóa tâm linh; thì hiện nay loại hình du lịch nông nghiệp - nông thôn, du lịch cộng đồng hướng đến thiên nhiên, trải nghiệm văn hóa bản địa nơi đến, đang là xu thế tìm kiếm hàng đầu của du khách. Vì thế, các sản phẩm du lịch nông nghiệp truyền thống, du lịch sinh thái vườn, du lịch cộng đồng thông qua sự cộng hưởng, giao thoa về văn hóa, kiến trúc, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của đồng bào các dân tộc đang được ngành du lịch Bạc Liêu chú trọng xây dựng và phát triển.

Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa ảnh 3Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phan Thanh Duy phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Khu vực Vườn nhãn, chùa Xiêm Cán, vùng phụ cận ven biển thuộc địa bàn xã Vĩnh Trạch Đông, xã Hiệp thành và phường Nhà Mát thành phố Bạc Liêu là khu vực cảnh quan thiên nhiên đồng quê đặc trưng với nghề trồng nhãn lâu đời, các công trình văn hóa tâm linh, các dự án du lịch nổi tiếng như: Khu Quán âm Phật đài, thiền viện Trúc lâm Bạc Liêu, khu điện gió Bạc Liêu, khu Du lịch Nhà Mát… cùng các phong tục tục tập quán truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số vùng biển, đặc biệt là các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Khmer. Tất cả tạo thành một không gian sinh thái nông nghiệp hấp dẫn có thể tổ chức các hoạt động du lịch đa dạng như nghỉ cuối tuần, văn hóa, sinh thái, ẩm thực…

Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa ảnh 4Nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đình Bích phát biểu tham luận tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ông Phan Thanh Duy cho rằng việc tổ chức hội thảo phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực Vườn nhãn và chùa Xiêm Cán là cơ hội để ngành du lịch Bạc Liêu tiếp thu nhiều ý kiến quan trọng của các chuyên gia tư vấn, doanh nghiệp du lịch, sở, ngành địa phương trong quản lý, kinh doanh du lịch, xây dựng và định hướng phát triển du lịch cộng đồng. Từ đó, tỉnh có cách làm phù hợp, đổi mới, phát triển du lịch cộng đồng theo hướng bền vững với tiềm năng, lợi thế khu vực Vườn nhãn và vùng phụ cận ven biển

Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa ảnh 5Các đại biểu tham dự Hội thảo. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất, tỉnh Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch, nhất là sản phẩm du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm. Tuy nhiên, tỉnh cần triển khai các giải pháp mới mang tính đột phá để thúc đẩy lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

Bạc Liêu phát triển du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị văn hóa ảnh 6Tiết mục văn nghệ của đồng bào Khmer biểu diễn tại Hội thảo. Ảnh: Tuấn Kiệt – TTXVN

Ông Phan Đình Huê, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn dịch vụ và du lịch Vòng Tròn Việt, thành phố Hà Nội đánh giá, du lịch Bạc Liêu có nhiều tiềm năng để bứt phá. Bạc Liêu có những sản phẩm du lịch riêng biệt mà những nơi khác không có. Đó là nền văn hóa đa dạng phóng phú, dựa trên sự cộng cư giữa 3 dân tộc Kinh - Hoa - Khmer; có các cơ sở tín ngưỡng; có loại nhãn cổ nổi tiếng trong và ngoài nước. Tuy có tài nguyên nhưng Bạc Liêu còn thiếu các sản phẩm du lịch, do đó khó níu chân du khách. Ông Huê đề xuất tỉnh cần lập dự án đánh giá chi tiết về tiềm năng, đồng thời tập trung nguồn lực khai thác sản phẩm du lịch. Cùng với đó là vận động cộng đồng dân cư liên kết cùng nhau làm du lịch cũng như liên kết với các điểm du lịch trong và ngoài tỉnh để khai thác tối đa tiềm năng du lịch của địa phương.

Dưới góc nhìn của chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa Lê Đình Bích cho rằng việc tỉnh Bạc Liêu quan tâm phát triển sản phẩm du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn các giá trị di sản văn hóa đồng bào dân tộc Khmer khu vực Vườn nhãn và chùa Xiêm Cán là hướng đi phù hợp. Khu vực này có không gian đủ rộng để hình thành khu du lịch. Bên cạnh các tiềm năng, lợi thế về du lịch, Bạc Liêu còn ấn tượng với du khách về sự hào sảng, phóng khoáng, mến khách cũng như môi trường sinh thái trong lành. Ông Lê Đình Bích đề nghị tỉnh nên phát huy yếu tố môi trường xây dựng nền du lịch xanh, đồng thời tạo ra nhiều sản phẩm du lịch đặc trưng để đáp ứng nhu cầu của khách tham quan.

Tỉnh Bạc Liêu đặt mục tiêu khai thác tiềm năng, giá trị khu vực Vườn nhãn, chùa Xiêm Cán và vùng phụ cận ven biển thông qua loại hình du lịch cộng đồng trải nghiệm văn hóa truyền thống, gắn với bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống người dân gắn với Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, Chương trình xây dựng nông thôn mới và đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp để phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Riêng đối với khu vực Vườn nhãn, chùa Xiêm Cán và vùng phụ cận ven biển, tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025 thu hút trên 1 triệu lượt khách du lịch, trong đó có trên 10 nghìn lượt khách quốc tế.

Sau khi nghe ý kiến của các đại biểu, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu Trần Thị Lan Phương cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về phát triển du lịch cộng đồng gắn với giá trị kinh tế của cây thanh nhãn, bảo tồn nhãn cổ, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc để người dân thấy được những lợi ích kinh tế mà du lịch mang lại. Tỉnh phát huy vai trò chủ thể của cộng đồng dân cư, đẩy mạnh sự liên kết chặt chẽ giữa các bên liên quan (nông dân, doanh nghiệp lữ hành, chính quyền địa phương, cơ quan quản lý du lịch, nông nghiệp, thương mại) trong mô hình phát triển du lịch cộng đồng khu vực Vườn nhãn, chùa Xiêm Cán gắn với giữ gìn, phát huy các giá trị di sản văn hóa của đồng bào dân tộc vùng biển. Đặc biệt là tuyên truyền, vận động nhân dân cho thuê đất hoặc góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất với doanh nghiệp, hợp tác xã để hợp tác, liên kết sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị, gắn với các hoạt động du lịch cộng đồng sinh thái nhằm phát triển ổn định, hiệu quả các mô hình du lịch sinh thái, xóa dần tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tự phát.

Tỉnh kêu gọi, thu hút doanh nghiệp đầu tư các resort nghỉ dưỡng, đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm du lịch tâm linh (miếu Cá Ông, chùa Xiêm Cán...), du lịch sinh thái (cây xoài 300 năm), triển khai các dịch vụ cho công trình điện gió Bạc Liêu, tôn tạo các giá trị văn hóa lịch sử, các lễ hội truyền thống... nhằm tạo nên các điểm du lịch, các dịch vụ bổ trợ trong chuỗi liên kết giá trị của sản phẩm du lịch tham quan trải nghiệm Vườn nhãn - chùa Xiêm Cán với du lịch tâm linh, tham quan cánh đồng điện gió, trải nghiệm hệ sinh thái ngập mặn...

bên cạnh đó, hỗ trợ cộng đồng xây dựng website, bản đồ du lịch số; lắp đặt, xây dựng các bảng chỉ dẫn đường, bảng giới thiệu về khu du lịch cộng đồng Vườn nhãn... trên các tuyến đường đến các điểm du lịch, hộ kinh doanh du lịch khu vực Vườn nhãn và vùng phụ cận ven biển.

Dịp này, Hiệp hội Du lịch Đồng bằng sông Cửu Long trao Quyết định công nhận chùa Xiêm Cán là điểm du lịch tiêu biểu của vùng. UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen cho tập thể, cá nhân của chùa Xiêm Cán có thành tích trong công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa của đồng bào Khmer.

Tuấn Kiệt

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm