Bắc Giang hỗ trợ hơn 309 tỷ đồng cho khuyến công giai đoạn 2021 - 2025

Sản phẩm mỳ của Hợp tác xã mỳ chũ Thuận Hương (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đang làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN
Sản phẩm mỳ của Hợp tác xã mỳ chũ Thuận Hương (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đang làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Tỉnh Bắc Giang đã phê duyệt, triển khai Kế hoạch Khuyến công của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, với tổng kinh phí dự kiến trên 309 tỷ đồng từ nguồn ngân sách, kinh phí đối ứng của các cơ sở công nghiệp nông thôn và các nguồn kinh phí huy động hợp pháp khác.

Bắc Giang hỗ trợ hơn 309 tỷ đồng cho khuyến công giai đoạn 2021 - 2025 ảnh 1Sản phẩm mỳ của Hợp tác xã mỳ chũ Thuận Hương (huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) đang làm các thủ tục đăng ký nhãn hiệu về sở hữu trí tuệ. Ảnh: Anh Tuấn – TTXVN

Riêng năm 2021, kế hoạch sử dụng kinh phí khuyến công của tỉnh Bắc Giang từ nguồn ngân sách tỉnh là 3,5 tỷ đồng để triển khai 21 đề án khuyến công. Các đề án này tập trung thực hiện 5 nội dung: hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật; phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, nâng cao năng lực quản lý doanh nghiệp, nhận thức và năng lực áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; tư vấn, trợ giúp cơ sở công nghiệp nông thôn; cung cấp thông tin, tuyên truyền; nâng cao năng lực quản lý và tổ chức thực hiện chương trình khuyến công.

Từ nay đến năm 2025 tỉnh Bắc Giang thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đồng thời, tăng tỷ trọng chế biến trong các sản phẩm công nghiệp, nông- lâm - thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp. Tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tiếp cận với công nghệ mới, phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Bắc Giang tập trung phát triển các hoạt động khuyến công như: hỗ trợ xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật để phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới, vật liệu mới và mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp. Cùng với đó, ưu tiên xây dựng các mô hình về chế biến nông - lâm - thủy sản, cơ khí phục vụ nông nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng, hàng mộc, thủ công mỹ nghệ, công nghiệp phụ trợ, các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Bên cạnh đó, tỉnh hỗ trợ đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững; tổ chức hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ trên địa bàn tỉnh gắn với Chương trình khuyến công quốc gia. Tỉnh sẽ hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị trong lĩnh vực sản xuất, chế biến; hình thành liên kết vệ tinh sản xuất các sản phẩm công nghiệp phụ trợ; xây dựng mô hình liên kết giữa các cơ sở sản xuất các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, hàng thủ công mỹ nghệ của tỉnh với các doanh nghiệp du lịch…

Năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã triển khai 3 đề án khuyến công quốc gia với kinh phí thực hiện 2,1 tỷ đồng nhằm hỗ trợ phát triển sản xuất các sản phẩm cơ khí, bao bì và mỳ gạo trên địa bàn tỉnh.

Trung tâm đã hỗ trợ 7 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất. Các đề án khuyến công đã hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào sản xuất, nhờ đó các doanh nghiệp, hợp tác xã đã nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hiệu quả sử dụng nguyên liệu, nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tăng khả năng tự động hóa, hạ giá thành sản phẩm, mở rộng thị trường. Bên cạnh đó, tạo ra các sản phẩm đạt tiêu chuẩn tham gia vào các chuỗi sản xuất trong nước và xuất khẩu theo chuỗi giá trị, mô hình liên kết, góp phần thúc đẩy phát triển các ngành, nghề sản xuất khuôn mẫu chính xác, cơ khí phục vụ các công trình thủy điện, bao bì hàng dệt, bao bì carton, chế biến nông sản, thực phẩm...

Từ nguồn ngân sách tỉnh năm 2020, Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại tỉnh Bắc Giang đã triển khai 26 đề án khuyến công với tổng kinh phí 4,5 tỷ đồng. Cụ thể, trung tâm hỗ trợ cho 15 cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng máy móc thiết bị trong sản xuất; tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, quản trị nhân sự, quản trị tài chính trong kỷ nguyên công nghệ số cho 450 học viên; tham gia hội chợ hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ. Trung tâm hỗ trợ tư vấn thiết kế mẫu mã, bao bì đóng gói sản phẩm cho 10 cơ sở công nghiệp nông thôn sản xuất mỳ gạo, thịt lợn sạch, chè Yên Thế, sản phẩm được công nhận là sản phẩm nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP...

Trung tâm đã hỗ trợ doanh nghiệp thiết kế, in ấn bao bì đóng gói sản phẩm vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu sang Nhật Bản nhằm gia tăng giá trị xuất khẩu; đăng ký bảo hộ sáng chế cho sản phẩm đạt giải cuộc thi sáng tạo kỹ thuật nhà nông, sáng tạo kỹ thuật tỉnh Bắc Giang… Qua đó góp phần tạo liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các cơ sở công nghiệp nông thôn tỉnh theo chuỗi giá trị, đảm bảo chất lượng, đủ điều kiện tham gia vào các chuỗi sản xuất, cung cấp sản phẩm vào các chuỗi siêu thị trong nước và hướng tới xuất khẩu.

Các đề án khuyến công được triển khai tại tỉnh còn động viên, khuyến khích các tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư phát triển sản xuất tại những địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn; hỗ trợ mô hình thanh niên lập thân, lập nghiệp; quảng bá, giới thiệu sản phẩm mới trên địa bàn cấp huyện; đẩy mạnh phát triển một số làng nghề, làng nghề truyền thống của địa phương như mỳ gạo Thủ Dương, mộc Bãi Ổi, mộc Đông Thượng…

Việt Hùng

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm