Hình ảnh 3D của virus SARS-CoV-2 (phía sau) và cấu trúc phân tử giúp SARS-2-CoV xâm nhập tế bào con người (phía trước). Ảnh: AFP/TTXVN |
Loại vaccine được thử nghiệm do Đại học Oxford (Anh) và Hãng Dược phẩm Inovio (Mỹ) chế tạo, trong khi chồn sương là loài vật có hệ thống hô hấp tương tự như con người, được cho là phù hợp với việc thử nghiệm vaccine này.
Hai con chồn sẽ được tiêm vaccine và giữ trong 4 tuần để hệ miễn dịch của chúng phát triển. Sau đó, chúng sẽ được tiêm một liều virus SARS-CoV-2 và bắt đầu tiến hành theo dõi các phản ứng cơ thể. Tiến trình thử nghiệm dự kiến kéo dài trong khoảng thời gian 3 tháng, tại cơ sở thiết lập an toàn sinh học mức độ cao ở Geelong.
Giám đốc điều hành CSIRO - Tiến sĩ Larry Marshall - mô tả thử nghiệm này là một cột mốc quan trọng. Trong khi đó, Giám đốc y tế và an toàn sinh học của CSIRO - Tiến sĩ Rob Grenfell cho rằng cuộc thử nghiệm có ý nghĩa trong cuộc đua tìm kiếm vaccine phòng đại dịch COVID-19 trên toàn thế giới. Ông cho biết nghiên cứu thử nghiệm trên động vật sẽ cung cấp cơ sở và sự tự tin cho các nhà khoa học để chuyển sang nghiên cứu trên cơ thể người.
Công tác thử nghiệm vaccine COVID-19 hiện đang được tiến hành đồng thời tại nhiều quốc gia trên thế giới. Các nỗ lực này hầu hết do Tổ chức Sáng kiến phòng chống dịch bệnh thế giới (CEPI) điều phối, trong đó CSIRO đóng một vai trò rất quan trọng. Giáp sư Trevor Drew - người đứng đầu công trình nghiên cứu vaccine COVID-19 tại CSIRO - cho biết tổ chức này đã nghiên cứu vaccine chống virus SARS-CoV-2 từ tháng 1 vừa qua và chuẩn bị thử nghiệm trên các ứng cử viên khác nhau, từ động vật đến con người, khi vaccine đã sẵn sàng.
CSIRO là tổ chức nghiên cứu đầu tiên bên ngoài Trung Quốc tạo ra đủ lượng virus (sử dụng chủng virus được Viện Nghiên cứu Peter Doherty ở Melbourne phân lập) để thực hiện các công trình khoa học nghiên cứu tiền lâm sàng về COVID-19.
Tháng trước, CSIRO đã trở thành đơn vị đầu tiên trên thế giới thiết lập thành công một mô hình sinh học xác nhận chồn sương có phản ứng với virus SARS-CoV-2. Các nhà khoa học đã nhanh chóng tiến hành nghiên cứu quá trình lây nhiễm ở động vật, một bước quan trọng trong việc tìm hiểu liệu vaccine sẽ hoạt động như thế nào.
CSIRO bắt đầu công việc phát triển và thử nghiệm vaccine kể từ khi mở cơ sở Geelong vào năm 1985. Đây là cơ sở bảo tồn sinh học cao duy nhất ở Nam bán cầu, chuyên nghiên cứu các mầm bệnh nguy hiểm và mới xuất hiện, bao gồm các bệnh truyền từ động vật sang người. Năm ngoái, CRISO đã hợp tác với CEPI tìm kiếm phương pháp phòng ngừa các loại dịch bệnh, thông qua cách đẩy nhanh quá trình phát triển vaccine./.
Diệu Linh
TTXVN