Sản xuất cà phê chồn đặc trưng của Bình Phước. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Về xã Thuận Phú, huyện Đồng Phú, bà con ở đây khen sự kiên trì, cách làm ăn khá tài giỏi của thanh niên Nguyễn Bá Cừ (sinh năm 1981) đã cho ra đời mô hình sản xuất cà phê chồn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Anh Cừ được xem là tấm gương tiêu biểu về chí thú khởi nghiệp của địa phương, làm nhiều thanh niên khác cũng đang lên ý tưởng khởi nghiệp làm giàu chính trên vùng đất quê hương của mình. Cà phê chồn hay nói đúng ra là cà phê phân chồn, bởi sản phẩm thu được từ việc thải loại thức ăn không tiêu hóa hết của chồn hương. Nhờ tác dụng lên men của các enzym trong dạ dày chồn, mà loại cà phê này trở thành thượng hạng, được cả thế giới ưa chuộng. Ở Việt Nam, cà phê chồn được sản xuất chủ yếu tại một số tỉnh khu vực Tây Nguyên là phổ biến, nhưng tại tỉnh miền Đông Nam bộ như Bình Phước cà phê chồn đã làm ra được từ một người thanh niên đã dày công đeo đuổi để có được sản phẩm cung cấp cho thị trường. Từ mô hình cà phê chồn của các tỉnh và nghiên cứu trên mạng, anh Nguyễn Bá Cừ ở ấp Tân Phú, xã Thuận Phú đã đi tìm hiểu, thử nghiệm nuôi những con chồn hương đầu tiên cho ăn cà phê. Kết quả ban đầu đã cho được cà phê chồn đúng với ý nguyện . Thế nhưng để cho ra nhiều số lượng, anh Cừ đã gặp khó khăn vì thiếu giống chồn hương và chưa đủ lực và vốn để đầu tư. Bằng đam mê và sau vài lần thử nghiệm thành công, anh Cừ quyết tâm rất lớn khởi nghiệp bằng sản phẩm cà phê chồn. Sau khi mang sản phẩm cà phê chồn đến cho những người bạn quen biết của thưởng thức và được họ đánh giá rất cao nên khuyên anh Cừ đeo đuổi theo mô hình này. Động lực trên đã giúp chàng thanh niên trẻ lao vào con đường khá khó nhằn này. Năm 2013 đến 2015, anh tìm lên các tỉnh Tây Nguyên mua thêm nhiều con giống về nuôi để tạo ra cà phê chồn. Đến nay, mô hình của anh Cừ đã phát triển lên 50 con chồn hương dùng để tạo ra cà phê chồn.
Cà phê chồn đặc trưng của Bình Phước. Ảnh: K GỬIH -TTXVN |
Anh Nguyễn Bá Cừ chia sẻ: “Ban đầu tôi làm ra cà phê chồn gặp không ít gian truân, trở ngại. Khi có sản phẩm rồi đến khâu tiếp cận thị trường cũng vất vả hơn. Tôi làm ra sản phẩm nhưng không biết bán ở đâu vì sự tin cây chưa có. Sau 2 năm lặn lội đi đến nhiều nơi để chứng minh sản phẩm của mình làm ra đúng chất 100% từ cà phê chồn, thậm chí dẫn đối tác đến giám sát ngay tại chỗ để chứng minh là nguồn hàng là đúng từ những con chồn sản sinh ra. Nhờ đó, sản phẩm mới chiếm được lòng tin của khách hàng". Qua tìm hiểu mô hình này, đặc biệt tại chỗ nuôi chồn cứ mỗi cá thể được anh Cừ xây dựng một chuồng riêng với diện tích khoảng 1,2- 2 m2. Tuy nhiên, thời gian sản xuất cà phê chồn là theo mùa vụ thu hoạch cà phê kéo dài được ba tháng. Theo đó, phải tranh thủ để cho ra sản phẩm chất lượng cao này. Còn những tháng còn lại trong năm không có mùa cà phê thì chồn được nuôi các loại thức ăn từ chôm chôm, chuối, trứng vịt lộn, cháo gà và một số loại lá cây khác. Để cho ra sản phẩm cà phê chồn đạt chất lượng, anh Cừ đã đặt hàng bao tiêu sản phẩm với hai vườn cà phê của người dân tại Bình Phước để sản xuất ra những quả cà phê đảm bảo chất lượng có nguồn gốc tại quê hương. Sau khi tiếp cận được nguồn cà phê trồng tại địa phương cho ra sản phẩm khá tốt, anh Cừ tiếp tự tin nhân rộng đàn chồn để phát triển số lượng. Hiện anh đã nhân rộng mô hình này lên trang trại vệ tinh trong vùng nhằm nâng cao hơn về sản lượng trong thời gian tới. Với tổng đàn chồn gần 50 con chồn, hiện nay mỗi năm anh Cừ thu được khoảng nửa tấn cà phê nguyên liệu/năm. Sau khi chế biến thu được gần 300 kg cà phê chồn thương phẩm, với mỗi kg cà phê chồn bán được giá xấp xỉ 4 triệu đồng/kg. Chí thú đam mê làm giàu từ mô hình cà phê chồn, song anh Cừ không giữ cho riêng mình mà đã chia sẻ mô hình này cho các thanh niên khác ở quê hương cùng nhau phát triển làm ăn. Hiện nhân rộng các con giống để cung cấp cho một số người có "cùng chí hướng" khởi nghiệp. Tuy nhiên mỗi cặp giống cũng có giá khá đắt, lên đến 6 triệu đồng/ mỗi cặp. Phó Chủ tịch Hội nông dân tỉnh Bình Phước Nguyễn Văn Chơ khi thưởng thức sản phẩm cà phê chồn của anh Cừ đã đánh giá đây là mô hình khá độc đáo. Hiện Hội Nông dân tỉnh đang khuyến khích mở rộng; qua đó sẽ hỗ trợ thêm để làm sao về tăng được năng suất cà phê hơn. Mô hình khởi nghiệp thành công của anh Cừ đã gây được ấn tượng với các nhà quản lý ở địa phương. Hồi đầu năm 2018, mô hình của anh được chọn làm đại diện là sản phẩm đặc trưng ở nông thôn mới Bình Phước đưa đi tham gia chương trình khoa học và phát triển công nghệ nông nghiệp vùng duyên hải Nam Trung bộ - Tây Nguyên. Đến nay, sản phẩm cà phê chồn của Nguyễn Bá Cừ cũng đã được Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Phước lựa chọn là những sản phẩm tiêu biểu mang đặc trưng của địa phương Bình Phước.
K GỬIH