Để phát triển kinh tế, vươn lên làm giàu, anh Lường Văn Phong ở bản Híp, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La đã thành công với mô hình nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa.
Tận dụng địa thế đất đồi, nương rộng hơn 7 ha của gia đình, từ năm 2015, anh Phong đã khởi nghiệp phát triển chăn nuôi dê sinh sản. Ban đầu do chưa có kinh nghiệm, đàn dê của gia đình chậm lớn, một số con bị chết do dịch bệnh. Không nản chí, anh đã tích cực tìm hiểu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm chăn nuôi dê từ các các cơ quan chuyên môn, qua các trang mạng và những gia đình thành công trên địa bàn huyện.
Từ những kiến thức học hỏi được, năm 2017, anh Phong đã mua thêm 13 con dê giống về phát triển đàn. Để thành công, anh đã xây dựng hai dãy chuồng sàn nuôi dê riêng biệt, mỗi chuồng rộng khoảng 60 m2 để đảm bảo mật độ dê hợp lý khi nuôi nhốt. Đồng thời, chỉ chăn thả dê lên đồi trong những ngày trời nắng để tận dụng nguồn thức ăn xanh sẵn có trong tự nhiên, giúp giảm tối đa chi phí trong chăn nuôi và cho đàn dê được vận động, sinh trưởng phát triển tốt. Những ngày trời mưa, đàn dê được nuôi nhốt trong chuồng và cho ăn từ nguồn cỏ của gia đình trồng tại nương đồi và thêm thức ăn tinh như: cám gạo, bột ngô và một số khoáng chất… Đến nay, đàn dê của gia đình luôn duy trì từ 100 đến 120 con.
Theo anh Phong, để nuôi dê thành công phải bảo đảm môi trường chăn nuôi an toàn tránh dịch bệnh; phải phun thuốc khử trùng chuồng trại định kỳ từ 10-15 ngày một lần. Hằng ngày, anh phải thu dọn vệ sinh; rắc vôi bột dưới nền chuồng định kỳ mỗi tuần một lần; ngoài ra còn tiêm phòng một số loại vaccine để phòng trừ dịch bệnh trên đàn dê. Thức ăn cho dê phải bảo đảm khô ráo, sạch sẽ và không bị ôi thiu. Dê ăn phải cỏ còn đọng sương, đọng nước mưa rất dễ bị bệnh chướng hơi dạ cỏ.
Anh Phong cho biết: Mỗi năm, gia đình thường xuất bán khoảng gần 100 con dê giống, dê thịt và chia thành nhiều đợt, mỗi đợt bán từ 3-10 con. Bình quân mỗi con có trọng lượng khoảng 35 kg, giá bán dê thịt từ 140.000-155.000 đồng/kg; dê giống có giá bán cao hơn khoảng từ gần 5 triệu - 5,5 triệu đồng/con. Từ năm 2018 đến nay, mỗi năm tổng thu nhập từ bán dê của gia đình anh khoảng từ 450 triệu - 550 triệu đồng; sau khi trừ chi phí, lãi từ 350 - 450 triệu đồng.
Anh Cầm Văn Đức ở bản Híp, xã Chiềng Khương, huyện Sông Mã chia sẻ: Nhận thấy mô hình chăn nuôi dê sinh sản của anh Phong mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh thường xuyên đến tham quan, học tập kinh nghiệm và được anh Phong chia sẻ tận tình. Thời gian tới, anh sẽ bàn với gia đình lên kế hoạch đầu tư xây dựng chuồng trại, trồng cỏ để phát triển nuôi dê sinh sản.
Bí thư Huyện Đoàn Sông Mã Quàng Văn Thăng cho hay, nhờ chăm chỉ tìm tòi, học hỏi, không ngại khó khăn, anh Phong đã trở thành một trong những người tiên phong làm giàu từ mô hình chăn nuôi dê sinh sản ở xã Chiềng Khương. Đây là hướng đi giúp đoàn viên, thanh niên và bà con chuyển đổi mô hình chăn nuôi phù hợp với lợi thế của địa phương để nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo bền vững.Huyện đoàn Sông Mã đã lấy mô hình này để tuyên truyền đến đoàn viên, thanh niên của xã, của huyện học tập và làm theo.
Từ những thành tích trong phát triển kinh tế gia đình, năm 2020, anh Lường Văn Phong đã được Tỉnh Đoàn Sơn La tặng Bằng khen "Thanh niên sản xuất kinh doanh giỏi". Mô hình phát triển chăn nuôi dê sinh sản theo hướng hàng hóa của gia đình anh trở thành điểm tham quan, học hỏi kinh nghiệm của nhiều thanh niên, nông dân trong và ngoài huyện Sông Mã.
Quang Quyết