Mô hình nuôi dê sạch giúp thanh niên ấp Thanh Hải khởi nghiệp hiệu quả

Mô hình nuôi dê sạch giúp thanh niên ấp Thanh Hải khởi nghiệp hiệu quả
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình nuôi dê tại ấp Thanh Hải. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Đoàn viên thanh niên tham quan mô hình nuôi dê tại ấp Thanh Hải.
Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Cụ thể, mô hình tổ hợp tác nuôi dê của đoàn thanh niên ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương, thị xã Bình Long đã giúp các thành viên trong tổ hợp tác nâng cao thu nhập. Được thành lập từ năm  2013, Tổ hợp tác chịu trách nhiệm hỗ trợ con giống chăn nuôi, kỹ thuật chăn nuôi và nguồn thức ăn để các thành viên trong tổ chăn nuôi ổn định đàn dê. Hiện nay có những hộ thành viên trong tổ nuôi tới 70 đến 80 con dê, hộ nuôi ít cũng trên 30 con dê sạch. Năm 2013, xuất phát điểm của các thành viên trong tổ chỉ là 2 - 3 chuồng trại chăn nuôi nhỏ lẻ, đến nay tổng đàn dê của 13 hộ thành viên trong tổ đã lên tới hơn 1.000 con dê. Hộ đoàn viên Nguyễn Minh Hậu, ấp Thanh Hải, xã Thanh Lương đã có mô hình nuôi dê hiệu quả từ khi tham gia tổ hợp tác. Theo anh Hậu, ngoài việc tiết kiệm được chi phí phân bón, công chăm sóc 3 ha hồ tiêu, mỗi năm gia đình anh Hậu còn thu được khoảng 70 đến 80 triệu đồng từ bán dê giống và dê thương phẩm. Trước kia khi chưa vào tổ hợp tác, việc nuôi dê của gia đình anh Hậu chỉ ở quy mô nhỏ lẻ. Từ khi thực hiện phong trào trồng tiêu bằng trụ sống (cây keo) nguồn thức ăn cho dê đã dồi dào hẳn. Anh Nguyễn Minh Hậu cho biết: Khi chưa có tổ hợp tác, các đoàn viên chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ vài con dê để tận dụng thức ăn cho dê là lá cây keo từ trụ tiêu. Từ khi tổ hợp tác được thành lập các đoàn viên có chí hướng lập thân lập nghiệp được hỗ trợ từ 30 triệu đồng. Đặc biệt trong những tháng thiếu thức ăn chăn nuôi, các thành viên trong tổ sẽ hỗ trợ nhau thức ăn chăn nuôi hoặc hỗ trợ nhau giống vật nuôi.
Đoàn viên Nguyễn Minh Hậu, ấp Thanh Hải, chăm sóc đàn dê. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
 Đoàn viên Nguyễn Minh Hậu, ấp Thanh Hải, chăm sóc đàn dê.
Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Đoàn viên Đoàn Thế Tài cũng là một trong những đoàn viên tham gia tổ hợp tác sớm nhất. Đến nay, được sự hỗ trợ về giống chăn nuôi, thức ăn và hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi nên gia đình anh Tài đã có thu nhập trên 5 triệu đồng mỗi tháng. Hiện nay gia đình anh Tài đã có  đàn dê thương phẩm đạt trên 40 con. Anh Đoàn Thế Tài chia sẻ: Lúc đầu việc khởi nghiệp của anh gặp nhiều khó khăn. Sau khi vào tổ hợp tác, được các thành viên trong tổ giúp đỡ việc chăn nuôi của gia đình anh đạt hiệu quả cao hơn. Anh Tài đang dự định chủ động trồng thêm cỏ để tạo nguồn thức ăn dồi dào cho dê vào mùa khô. Với việc liên kết, hỗ trợ chăn nuôi đến việc tìm "đầu ra" cho sản phẩm chăn nuôi, tổ hợp tác nuôi dê ấp Thanh Hải đang là mô hình  giúp thanh niên khởi nghiệp hiệu quả ở địa phương. Các thành viên tổ hợp tác đã tận dụng lá của cây keo được sử dụng làm trụ tiêu làm nguồn thức ăn cho dê, từ đó tiết kiệm được chi phí chăn nuôi. Ngược lại, phân của dê lại được dùng để bón cho vườn hồ tiêu thay vì phải đi mua phân bón như trước đây.
Đoàn viên Nguyễn Minh Hậu, ấp Thanh Hải, chăm sóc đàn dê. Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Đoàn viên Nguyễn Minh Hậu, ấp Thanh Hải, chăm sóc đàn dê.
Ảnh: K GỬIH -TTXVN
Trong những năm gần đây, đặc biệt quan tâm phong trào khởi nghiệp của đoàn viên thanh niên trên địa bàn, Đoàn thanh niên thị xã Bình Long đã triển khai nhiều phong trào phát triển kinh tế như: Tổ hợp tác liên kết nuôi dê, tổ hợp tác trồng cây có múi, tổ hợp tác dịch vụ nghề nghiệp… Đoàn thanh niên đã tham mưu và thành lập 15 tổ hợp tác và 1 chi hội chăn nuôi. Hiện nay, các tổ hợp tác đã đảm bảo hoạt động theo mục tiêu, tiêu chí đề ra. Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam thị xã Bình Long, Nguyễn Văn Cần cho biết: Các thanh niên tham gia tổ hợp tác đã tiếp cận được nguồn vốn của Trung ương Đoàn và các nguồn vốn hỗ trợ  như vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội để từ đó mở rộng quy mô chăn nuôi. Tổ hợp tác nuôi dê của đoàn thanh niên ấp Thanh Hải mang lại hiệu quả đã trở thành "điểm sáng" cho đoàn viên thanh niên ở địa phương vươn lên lập thân, lập nghiệp. Để khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tháng 4/2018 Quỹ Khởi nghiệp Bình Phước đã được chính thức thành lập với nguồn vốn khoảng 11 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách địa phương là 3 tỷ đồng, còn lại là nguồn vốn được huy động các công ty, doanh nghiệp trong tỉnh hỗ trợ. UBND tỉnh Bình Phước cho phép Quỹ Khởi nghiệp của địa phương được dùng nguồn vốn của mình để cho các cá nhân, nhóm cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp (mới thành lập không quá 1 năm, lần đầu khởi nghiệp) vay vốn với lãi suất 0%/năm từ đó phát triển sản xuất, kinh doanh. Có thể nói đây là nguồn “tiếp sức” để thanh niên mạnh dạn phát triển kinh tế và làm giàu.
K GỬIH

Có thể bạn quan tâm