Anh Hà Văn Thượng bên vườn trồng bưởi trồng tại khu nghỉ dưỡng sinh thái homestay của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Hà Văn Thượng sinh ra trong một gia đình nghèo, tuổi thơ nhiều vất vả. Sau khi tốt nghiệp trường Trung học phổ thông Bá Thước 3, anh Thượng không tiếp tục học nữa mà đi làm. Năm 2010, anh vào Đồng Nai làm việc tại một xưởng chế biến gỗ với mức lương 3 triệu đồng/tháng. Mặc dù có việc làm ổn định nhưng trong thâm tâm anh vẫn mong muốn một ngày nào đó được trở về quê hương lập nghiệp. Năm 2014, xưởng gỗ giảm nhân sự nên anh Thượng nghỉ việc. Biết thông tin UBND huyện Bá Thước đang phát triển du lịch tại Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông, anh quyết định phát triển du lịch dựa vào vẻ đẹp sinh thái để xây dựng mô hình khu nghỉ dưỡng homestay trên 1,2 ha đất nông nghiệp của gia đình. Để thực hiện mô hình này, anh vay người thân và ngân hàng 140 triệu đồng, dựng nhà bằng tre, luồng, lợp mái bằng lá cọ. Năm 2015, khu nghỉ dưỡng đi vào hoạt động. Ban đầu anh chỉ đủ tiền xây 4 phòng với 8 giường, đồ dùng phục vụ không đủ, nhiều du khách không biết đến địa chỉ khu nghỉ dưỡng của gia đình anh nên nhiều tháng không có doanh thu. Dù vậy, anh vẫn kiên trì công việc, mỗi khi có khách, anh luôn tiếp xúc với họ để nắm bắt sở thích, phục vụ chu đáo, thăm hỏi, đưa họ đến những địa điểm du lịch lý tưởng trong khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông. Nhờ đó, lượng khách đến gia đình anh nghỉ dưỡng đã dần tăng lên. Năm 2017, lượng khách về khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông ngày càng đông. Lúc này, anh Thượng dùng tất cả tiền tích góp xây thêm phòng nghỉ, tổng số tăng lên 13 phòng với 25 giường nghỉ, mỗi phòng được thiết kết hợp với vẻ đẹp huyền bí của núi rừng Pù Luông, đồ nội thất, chăn màn sạch sẽ. Hiện tổng số tiền đầu tư vào khu nghỉ dưỡng đã là 3 tỷ đồng.
Anh Hà Văn Thượng đang hướng dẫn gấp chăn màn tại phòng nghỉ thuộc khu nghi dưỡng sinh thái homestay của gia đình. Ảnh: Nguyễn Nam-TTXVN |
Nhờ được đầu tư khang trang, thái độ phục vụ tận tình, cùng những món ăn dân gian thơm ngon do gia đình anh nấu, khách nước ngoài đến khu sinh thái của gia đình anh ngày càng đông, hiện lên tới gần 300 lượt khách/tháng. Những đợt cao điểm từ tháng 3 đến tháng 8, khu nghỉ dưỡng của gia đình anh luôn trong tình trạng "cháy" phòng. Không chỉ làm kinh tế giỏi, anh Thượng còn giúp đỡ các đoàn viên, thanh niên khác, truyền đạt kinh nghiệm trong phát triển kinh tế từ mô hình khu nghỉ dưỡng sinh thái. Anh Hà Văn Quốc, trú tại bản Leo, xã Thành Lâm, được gia đình anh Thượng nhận vào làm bếp và dọn phòng với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Đây là mức lương cao so với mặt bằng chung tại khu vực miền núi. Theo anh Hà Quý Tôn, Phó Bí thư đoàn xã Thành Lâm, toàn xã có 15 thanh niên đang phát triển mô hình homestay, trong đó có anh Hà Văn Thượng. Anh Thượng luôn tích cực tham gia cách hoạt động đoàn, sẵn sàng giúp đỡ và hỗ trợ người nghèo, là tấm gương sáng tiêu biểu cho thanh niên các xã vùng cao dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đi đầu trong phát triển kinh tế và làm giàu tại quê hương.
Nguyễn Nam