Quang cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Sang – TTXVN |
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, năm 2019, tổng diện tích gieo trồng lúa trên địa bàn An Giang là 625.400 ha, đạt 100,89 % kế hoạch, tăng gần 2.400 ha so 2018; trong đó, vụ Đông Xuân gieo trồng hơn 235.000 ha; vụ Hè Thu khoảng 230.000 ha và Thu Đông khoảng 150.000 ha. Năng suất lúa bình quân cả năm 2019 ước đạt 62,71 tạ/ha, giảm 0,31 tạ/ha so với năm 2018. Sản lượng lúa cả năm 2019 của An Giang đạt gần 4 triệu tấn, giảm 5.000 tấn. Riêng sản lượng nếp và các giống lúa chất lượng đạt khoảng 1,050 triệu tấn, tăng 73.700 tấn. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh An Giang có 30 doanh nghiệp tham gia triển khai thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa thông qua hợp đồng với diện tích đăng ký thực hiện hơn 63.000 ha, với các giống lúa chất lượng cao như: Đài Thơm 8, Jasmine 85, OM 4218, OM 6976, Japonica; nếp CK92, CK2003… Trong vụ Đông Xuân 2018 - 2019, các doanh nghiệp đăng ký thực hiện gần 28.300 ha, triển khai ký hợp đồng với diện tích gần 12.600 ha, đạt 4,5 % kế hoạch, thu mua được gần 10.400 ha, đạt trên 82,4 % diện tích ký hợp đồng (chiếm khoảng 4,4 % diện tích xuống giống). Vụ Hè Thu 2019, các doanh nghiệp đăng ký thực hiện 14.600 ha. Tính đến hết ngày 11/9/2019, tỉnh đã triển khai ký hợp đồng được 8.113 ha, đạt gần 56% kế hoạch. Các doanh nghiệp đã thu mua được 6.577 ha, đạt 81% diện tích ký hợp đồng và hiện nay các doanh nghiệp đang tiếp tục thu mua diện tích còn lại. Riêng vụ Thu Đông 2019, có 30 doanh nghiệp đã đăng ký thực hiện 21.056 ha. Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh An Giang ký hợp đồng tiêu thụ lúa của nông dân thông qua hợp tác xã, tổ hợp tác hoặc ký hợp đồng với từng hộ dân nên giá thu mua cao hơn giá thị trường khoảng 50 đồng - 100đồng /kg. Ngoài ra, các doanh nghiệp còn hỗ trợ chi phí quản lý thực hiện cho các hợp tác xã, tổ hợp tác từ 10- 20 đồng/kg lúa thu mua. Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, hiện tại An Giang tỉ lệ thu mua lúa thông qua hợp đồng còn rất thấp, trung bình chiếm khoảng 4% diện tích xuống giống của từng vụ. Nguyên nhân là do nhiều nông dân mặc dù đã nhận thức được lợi ích và hiệu quả của việc tham gia liên kết sản xuất nhưng chưa thật tin tưởng nên số lượng tham gia còn hạn chế. Đa số nông dân sản xuất quy mô nhỏ, rất dễ gặp rủi ro nhất là thị trường tiêu thụ. “Một số nông dân đã ký hợp đồng nhưng không tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật của doanh nghiệp đưa ra làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Đây cũng là một trong những nguyên nhân phá vỡ hợp đồng, trong khi nhà nước chưa có chế tài xử phạt đủ để răn đe”, ông Lâm cho biết thêm. Theo kế hoạch sản xuất lúa của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang, vụ lúa năm 2020, tỉnh An Giang sẽ xuống giống với tổng diện tích gieo trồng khoảng 635.400 ha, tăng 10.000 ha trong vụ Thu Đông 2020. Dự kiến, năng suất lúa bình quân cả năm ước đạt 63 tạ/ha; sản lượng lúa cả năm 2020 đạt khoảng 4 triệu tấn. Thời gian tới, ngành nông nghiệp An Giang tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, gắn kết với nông dân và hợp tác xã tiêu thụ lúa gạo. Theo đó, tỉnh sẽ tập trung hỗ trợ một số doanh nghiệp đã có vùng nguyên liệu ổn định qua các năm và các công ty có nhu cầu xây dựng vùng nguyên liệu tập trung cho năm 2020. Hiện nay có 7 doanh nghiệp đã có kế hoạch và đăng ký nhu cầu thực hiện vùng nguyên liệu. Các doanh nghiệp này hỗ trợ vận động nông dân sản xuất theo các quy trình của doanh nghiệp và thành lập Hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới làm đầu mối liên kết với doanh nghiệp. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh An Giang cũng mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh xây dựng vùng sản xuất tập trung, liên kết sản xuất ôn định. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp với các viện, trường nghiên cứu những giống lúa có năng suất, chất lượng cao, thích nghi với tình hình biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn đưa vào sản xuất thay thế những bộ giống chất lượng kém. Ông Võ Nguyên Nam, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang cũng cho hay, thời gian tới xuất khẩu lúa gạo được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn, thách thức, nên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm gạo xuất khẩu. Cùng đó, tập trung giúp ngươi nông dân trên địa bàn tỉnh chuyển dịch nhanh từ trồng lúa sang canh tác các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, tránh phụ thuộc quá nhiều vào cây lúa. Theo ông Võ Nguyên Nam, Sở Công Thương tỉnh cũng sẽ tổ chức những buổi hội thảo hoặc tập huấn chuyên đề thực trạng về thị trường đầu ra lúa gạo cho nông dân hiểu. Từ đó, có sự gắn kết bền vững với doanh nghiệp lâu dài khi thị trường có sự biến động về giá cả. Ngoài ra, ngành công thương cũng cập nhật thông tin về giá cả nông sản trên thế giới, nhu cầu nhập khẩu cũng như những quy chuẩn của các nước có nhu cầu nhập khẩu nông sản.
Thanh Sang