Ngày 5/5, Ban Dân tộc tỉnh An Giang tổ chức họp mặt người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số năm 2022 và kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Cơ quan quản lý nhà nước về công tác dân tộc (3/5/1946-3/5/2022).
An Giang là tỉnh vừa có đồng bằng, vừa có núi và có đường biên giới dài gần 100 km giáp Campuchia. Tỉnh có 4 dân tộc Kinh, Khmer, Chăm, Hoa sinh sống, trong đó, dân tộc Kinh chiếm đa số với 95,15%, tiếp đến là dân tộc Khmer chiếm 3,98%, dân tộc Chăm chiếm 0,59% và dân tộc Hoa chiếm 0,27%, phần còn lại là dân tộc khác và một số ít là người nước ngoài. Địa bàn tỉnh hiện có 120 người có uy tín là đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer và Hoa theo Quyết định 609/QĐ-UBND ngày 25/3/2021 của UBND tỉnh An Giang.
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số Chăm, Khmer và Hoa tại An Giang có vai trò và ảnh hưởng rất lớn đối với cộng đồng, tập thể và dòng họ; được xem như cầu nối của các cấp chính quyền trong việc vận động bà con chấp hành các đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, các quy định của địa phương, góp phần xây dựng và giữ vững khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ông Chau Anne, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang đánh giá, người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số luôn gương mẫu đi đầu trong thực hiện và tuyên truyền, vận động dòng họ, người dân trong xóm ấp ổn định cuộc sống; không di cư tự do, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, tham gia hòa giải, giải quyết các mâu thuẫn xảy ra trong vùng dân tộc; thực hiện tốt chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình...
Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh tích cực vận động bà con hăng say lao động sản xuất, thực hiện và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các kiến thực khoa học công nghệ mới vào sản xuất, chất lượng sản phẩm hàng hóa, ổn định đời sống, giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo… tạo sự đồng thuận, xây dựng khóm, ấp đoàn kết, bình yên, phát triển.
Người có uy tín trong đồng bào các dân tộc đánh giá cao các chính sách về dân tộc của Đảng, Nhà nước như chính sách xóa đói giảm nghèo; chính sách về nhà ở, đất ở; các chính sách chuyển đổi cơ cấu lao động nông nghiệp sang lao động công nghiệp; các chính sách y tế, giáo dục... Tất cả các chính sách đều hướng đến việc chăm lo cho đồng bào dân tộc kịp thời, nhất là trong các đợt dịch COVID-19 bùng phát.
Phát biểu tại buổi họp mặt, ông Men Pholly, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh An Giang khẳng định, người có uy tín là “cánh tay nối dài” giúp Mặt trận trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thiểu số chấp hành tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; giữ gìn an ninh trật tự, củng cố và tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc; phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc; xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Tình hình kinh tế, xã hội trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh An Giang tiếp tục phát triển. Số hộ nghèo, cận nghèo dân tộc thiểu số giảm mạnh qua từng năm. Năm 2022, tổng số hộ nghèo toàn tỉnh là trên 20.000 hộ, trong đó hộ nghèo dân tộc thiểu số gần 4.000 hộ, chiếm 19,7%; hộ cận nghèo dân tộc thiểu số gần 1.900 hộ, chiếm 6,2%. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh An Giang có 38 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi; trong đó có 8 xã và 27 ấp đặc biệt khó khăn. Giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh phấn đấu số xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giảm còn 16 xã, trong đó có 7 xã và 10 ấp đặc biệt khó khăn.
Thanh Sang