Ngày 21/4, tại tỉnh Đồng Nai, Ủy ban Dân tộc tổ chức hội thảo “Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách và phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đông Nam Bộ”. Hội thảo nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đông Nam Bộ.
Theo Ủy ban Dân tộc, người có uy tín có vai trò hết sức quan trọng tại cơ sở, vừa là cầu nối gắn kết giữa đồng bào với đồng bào, đồng bào với các cấp ủy, chính quyền, các ban ngành, mặt trận, đoàn thể; vừa có vai trò nêu gương trong cộng đồng.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động thực tiễn, đội ngũ người có uy tín còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Ông Dương Văn Hạnh, đại diện người có uy tín tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, trong quá trình hoạt động, người có uy tín còn gặp khó khăn, không được hỗ trợ do một số cấp ủy Đảng, chính quyền chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác phát huy vai trò của người có uy tín, chưa chú trọng công tác bồi dưỡng, cung cấp thông tin cho đội ngũ người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động trong cộng đồng.
Theo ông Điểu Bảo, người có uy tín xã Túc Trưng, huyện Định Quán, Đồng Nai, đa phần những người có uy tín trong đồng bào dân tộc đều sống ở vùng nông thôn, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế khó khăn trong khi tiền phụ cấp rất khiêm tốn, thậm chí không có phụ cấp, bảo hiểm y tế… Như vậy sẽ rất khó để những người có uy tín làm tốt vai trò của mình.
Tại hội thảo, các đại diện người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số vùng Đông Nam Bộ kiến nghị các nội dung: sớm có chính sách hỗ trợ mua Bảo hiểm y tế cho người có uy tín; bổ sung các chế độ phụ cấp hằng tháng, hằng năm như tiền xăng xe, đi lại, điện thoại…để hỗ trợ công tác tuyên truyền, vận động đồng bào; điều chỉnh định mức hỗ trợ cho các nội dung như thăm hỏi ốm đau, thăm viếng, hỗ trợ khó khăn, tặng quà lễ, Tết cho người có uy tín phù hợp với thực tế hiện nay.
Bên cạnh đó, tổ chức thường xuyên các hội nghị tuyên truyền cho người có uy tín về các tin tức, sự kiện thời sự, nhất là về chính sách mới, công tác dân tộc; tổ chức định kỳ các buổi gặp mặt, tập huấn, trao đổi kinh nghiệm của người có uy tính tại các địa phương và Trung ương…
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Thị Hạnh cho biết, đối với những chế độ phụ cấp hằng tháng, hằng năm và những chính sách cho người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, Ủy ban Dân tộc rất hoan nghênh các địa phương bằng chính sách của mình hỗ trợ, nâng cao đời sống cho người có uy tín; khuyến khích các địa phương tuỳ tình hình thực tế để chủ động ban hành, áp dụng các chính sách phù hợp cho người có uy tín, vận động thêm các nguồn lực xã hội hóa cùng tham gia để giúp phát huy hơn nữa vai trò của người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số khu vực Đông Nam Bộ.
Theo bà Hoàng Thị Hạnh, Ủy ban Dân tộc sẽ ghi nhận những đóng góp ý kiến rất thiết thực đi thẳng vào vấn đề từ những người làm công tác dân tộc tại các địa phương khu vực Đông Nam Bộ, đặc biệt là từ người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số và sẽ tổng hợp, tham mưu cho Chính phủ trong thời gian tới.
Lê Xuân