An Giang đặt mục tiêu có hơn 44.000 ha lúa chất lượng cao

UBND tỉnh An Giang vừa triển khai kế hoạch thực hiện "Đề án phát triển bền vững một triệu héc ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 tại An Giang"; với mục tiêu tổ chức lại hệ thống sản xuất lúa theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm nâng cao thu nhập của người trồng lúa.

vna_potal_an_giang_phat_trien_tren_152000ha_lua_chat_luong_cao_7375100.jpg
Nông dân thành phố Châu Đốc (An Giang) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2024. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Theo kế hoạch, đến năm 2025 An Giang hình thành 44.051 ha vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; trong đó, lượng lúa giống gieo sạ từ 80 - 100 kg/ha; giảm 20% lượng phân bón hóa học, lượng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học và lượng nước tưới so với canh tác truyền thống. Trên địa bàn tỉnh có 100% diện tích canh tác áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới ngập khô xen kẽ, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng.

Đồng thời, 100% diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Toàn tỉnh có trên 35.000 hộ nông dân áp dụng quy trình canh tác bền vững; 70% rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng.

An Giang cũng sẽ giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống; tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 10%; giá trị gia tăng trong chuỗi lúa gạo tăng 30%, trong đó tỷ suất lợi nhuận của người trồng lúa đạt trên 40%. Đến năm 2025, lượng gạo chất lượng cao và phát thải thấp xuất khẩu chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của tỉnh.

vna_potal_an_giang_phat_trien_tren_152000ha_lua_chat_luong_cao_7375094.jpg
Cánh đồng lúa vụ Đông Xuân 2024 tại thành phố Châu Đốc (An Giang). Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Đến năm 2030, An Giang sẽ có 152.198 ha canh tác chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp; trong đó, lượng lúa giống gieo sạ dưới 70 kg/ha; giảm 30% lượng phân bón hóa học và thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc hóa học; giảm 20% lượng nước tưới so với canh tác truyền thống.

Tỉnh có 100% diện tích áp dụng ít nhất một quy trình canh tác bền vững như: 1 phải 5 giảm, tưới khô xen kẽ và các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt được chứng nhận và được cấp mã số vùng trồng. Tất cả diện tích sản xuất vùng chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp có liên kết giữa doanh nghiệp với tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc các tổ chức nông dân trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Đến năm 2030, An Giang có vùng chuyên canh lúa chất lượng cao tỷ lệ cơ giới hóa đồng bộ đạt trên 70% diện tích; trên 100.000 hộ áp dụng quy trình canh tác bền vững. Tỷ lệ thất thoát sau thu hoạch dưới 8%; rơm được thu gom khỏi đồng ruộng và được chế biến tái sử dụng; giảm trên 10% lượng phát thải khí nhà kính so với canh tác lúa truyền thống. Tỷ suất lợi nhuận người trồng lúa tại An Giang đạt trên 50%. Lượng gạo xuất khẩu mang thương hiệu chất lượng cao, phát thải thấp chiếm trên 20% tổng lượng gạo xuất khẩu của toàn vùng chuyên canh.

vna_potal_an_giang_phat_trien_tren_152000ha_lua_chat_luong_cao_7375229.jpg
Nông dân thành phố Châu Đốc (An Giang) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2024. Ảnh: Thanh Sang - TTXVN

Để đạt được mục tiêu trên, Phó chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thị Minh Thúy cho biết: Tỉnh tập trung quy hoạch, tổ chức lại sản xuất; trong đó, tỉnh xác định quy mô vùng sản xuất lúa tập trung, nằm trong vùng quy hoạch đất chuyên trồng lúa. Từ đó, đảm bảo đủ điều kiện để sản xuất ít nhất 2 vụ lúa/năm hoặc có thể sản xuất 2 vụ lúa, có xen canh hoặc luân canh rau màu, thủy sản đảm bảo tiêu chí xây dựng vùng lúa chất lượng cao.

"Tỉnh cũng tiếp tục đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông nội đồng, kết nối giao thông nội đồng và hệ thống giao thông trong tỉnh; tập trung hoàn thiện và nâng cấp hệ thống thủy lợi tưới, tiêu nội đồng; trang bằng đồng ruộng theo từng tiểu vùng để góp phần tiết kiệm nước, áp dụng tốt các giải pháp kỹ thuật trong sản xuất; cung cấp tốt các dịch vụ kỹ thuật và bảo quản sau thu hoạch..", bà Thuý cho biết.

Để triển khai dự án, từ nay đến năm 2025, An Giang tập trung thực hiện ở các huyện đã tham gia các dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam, dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long tại các huyện: Thoại Sơn, Tri Tôn, Tịnh Biên, An Phú, Châu Phú và mở rộng sang các huyện như: Châu Thành, Tân Châu, Phú Tân, Chợ Mới.

vna_potal_an_giang_phat_trien_tren_152000ha_lua_chat_luong_cao_7375110.jpg
Nông dân thành phố Châu Đốc (An Giang) thu hoạch lúa vụ Đông Xuân 2024. Ảnh: Thanh Sang TTXVN

Từ năm 2026-2030, An Giang mở rộng vùng lúa chuyên canh chất lượng cao và phát thải thấp để đạt diện tích trên 150.000 ha; tổ chức lại sản xuất, xây dựng chuỗi giá trị và có diện tích đủ điều kiện tham gia chi trả tín chỉ carbon.

Giai đoạn 2024 - 2030, An Giang đặt mục tiêu xuất khẩu gạo hàng năm đạt từ 570.000 - 600.000 tấn. Đến năm 20230, giá trị kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 330 triệu USD; trong đó, thị trường châu Á chiếm tỷ trọng khoảng 70% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo; thị trường châu Phi chiếm khoảng 12%; thị trường châu Âu chiếm khoảng 5%; thị trường châu Mỹ chiếm khoảng 3%; thị trường châu Đại Dương chiếm khoảng 4%; tỷ trọng 6% còn lại là ủy thác xuất khẩu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Lê Văn Phước cho biết: Quan điểm của tỉnh là nâng cao hiệu quả và xuất khẩu gạo bền vững, giảm về lượng và tăng về chất, duy trì ổn định, nâng cao giá trị kim ngạch xuất khẩu, thúc đẩy xuất khẩu gạo chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ gạo, góp phần tiêu thụ hết gạo hàng hóa với giá có lợi cho nông dân.

Để nâng cao chất lượng gạo xuất khẩu, An Giang sẽ tập trung phát triển thương hiệu gạo thân thiện môi trường để hướng tới các thị trường tiêu chuẩn cao, giá trị cao; đầu tư phát triển mạnh hơn các loại gạo giá trị cao, đã tạo được hình ảnh thương hiệu; đưa mặt hàng gạo An Giang vào hệ thống phân phối nước ngoài và hỗ trợ các thương nhân thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc.

Năm 2023 xuất khẩu gạo An Giang tăng 8,97% so với năm 2022 đạt trên 300 triệu USD. Điểm sáng xuất khẩu gạo năm 2023 của tỉnh là Công ty cổ phần Lộc Trời đã nhận được đơn đặt hàng đến 400.000 tấn gạo xuất sang thị trường EU. Gạo An Giang được đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Indonesia, Trung Quốc khi 2 nước này tăng cao nhu cầu mua gạo. Bên cạnh đó, gạo An Giang còn xuất khẩu sang các thị trường Philippines, Malaysia, Australia… và một số thị trường như Nga, Bangladesh.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm