An Giang còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế

An Giang còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế

Nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, An Giang có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế, nhất là khi cơ sở hạ tầng giao thông ngày càng cải thiện; du lịch, dịch vụ, nông nghiệp.

Hấp dẫn nhà đầu tư

An Giang tiếp giáp với Campuchia có cửa khẩu quốc tế, quốc gia đường bộ và đường thủy, là cửa ngõ của trục Đông - Tây thông thương giữa Đồng bằng sông Cửu Long và các nước Đông Nam Á, thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ và kinh tế biên mậu. Đặc biệt, tuyến đường bộ cao tốc An Giang - Cần Thơ - Sóc Trăng sắp được Trung ương triển khai xây dựng sẽ tạo động lực mạnh mẽ, sức lan toả trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

An Giang còn nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển kinh tế ảnh 1Vùng nuôi cá tra thương phẩm Vàm Nao, xã Tân Trung, huyện Phú Tân cho năng suất khoảng 500tấn/ha/vụ. Ảnh: Vũ Sinh - TTXVN

Là tỉnh có những đặc trưng riêng biệt, vừa có đồng bằng, rừng núi, tài nguyên khoáng sản, những di tích lịch sử lâu đời mang dấu ấn của một nền văn hóa lúa nước cổ xưa. Đây là điều kiện và lợi thế để An Giang phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư và phát triển du lịch. Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã triển khai gần 5 năm bắt đầu có hiệu ứng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả, góp phần tích cực trong việc phát triển kinh tế - xã hội.

An Giang có nhiều di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, địa danh nổi tiếng được thiên nhiên ban tặng thu hút khách tham quan như: di tích Óc Eo - Ba Thê, khu Du lịch núi Cấm, rừng tràm Trà Sư,…Tính đa dạng về văn hóa là một trong những thế mạnh của hệ giá trị sinh thái nhân văn, tạo nên nét đẹp rất riêng của nền văn hóa tâm linh địa phương và của từng dân tộc An Giang. Với những điều kiện đặc thù của tự nhiên, nhiều di tích văn hóa, lịch sử, cùng với cảnh quan đa dạng, phong phú so với các tỉnh trong khu vực là tiền đề để An Giang trở thành một trong những trung tâm văn hóa và du lịch của vùng.

Thời gian qua An Giang chuyển hướng đột phá sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, nhằm nâng cao chất lượng, giá trị, gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27/6/2012 về phát triển nông nghiệp nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Từ đó, nhiều vùng sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao chủ lực của tỉnh đã được xác lập.

Để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, UBND tỉnh đã công nhận doanh nghiệp nông nghiệp nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao cho Công ty cổ phần Cá tra Việt Úc; vùng nông nghiệp nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao cho vùng chuối VIFABA, vùng sản xuất của Công ty TNHH MTV Nuôi trồng thủy sản Nam Việt – Bình Phú (huyện Châu Phú).

Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số dự án điển hình đạt tiêu chí dự án nông nghiệp nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao như: Dự án đầu tư trang trại cây ăn quả, cây chuối cấy mô ứng dụng công nghệ cao xuất khẩu của Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Xanh Việt; dự án sản xuất và chế biến rau, củ, quả trong nhà màng theo tiêu chuẩn VietGAP của Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Phan Nam; dự án đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi heo, gà công nghệ cao và trồng cây ăn trái của Công ty TNHH Nghiên cứu công nghệ cao An Khang,…

Nông nghiệp là mũi nhọn

Ông Nguyễn Sĩ Lâm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho biết, nông nghiệp là một mũi nhọn trong phát triển kinh tế của tỉnh. Đột phá ngành nông nghiệp hiện nay là tỉnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo chuỗi giá trị ngành hàng. Theo đó, ngành nông nghiêp An Giang chuyển dần sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, sản xuất hàng hóa có chất lượng thông qua nâng cao năng suất, hiệu quả và khả năng cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Sĩ Lâm, đến nay, 70% diện tích trồng lúa của An Giang là các giống chất lượng cao; 89,6% diện tích áp dụng “3 giảm, 3 tăng”; 47% áp dụng “1 phải, 5 giảm”. Hiện tại, có 31.190 ha được liên kết tiêu thụ theo chuỗi giá trị với doanh nghiệp theo tiêu chuẩn GlobalGAP, SRP, các tiêu chuẩn xuất khẩu thị trường châu Âu, Nhật…

Đặc biệt, An Giang đã từng bước hình thành được các vùng nguyên liệu lúa gạo hàng hóa, lúa gạo đặc sản để doanh nghiệp tham gia liên kết tiêu thụ. Không những diện tích liên kết không ngừng tăng lên qua từng năm mà điểm mới của An Giang là doanh nghiệp tham gia thành lập hợp tác xã, gắn với những vùng nguyên liệu của doanh nghiệp. Hiện tại, Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời đã có thỏa thuận với UBND tỉnh thành lập khoảng 200 hợp tác xã kiểu mới đến năm 2025.

Định hướng phát triển kinh tế, xã hội trong thời gian tới, An Giang tiếp tục xác định nông nghiệp là nền tảng của nền kinh tế; dịch vụ, du lịch và công nghiệp là động lực cho phát triển; phát triển kinh tế - xã hội của An Giang được đặt trong sự tương tác với các vùng, miền cả nước, nhất là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp và liên kết với các địa phương trong vùng trên tất cả các lĩnh vực để phát triển bền vững; tập trung đầu tư kết cấu hạ tầng, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch.

Giai đoạn 2020 - 2025, An Giang phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân 5 năm đạt từ 6.5 - 7%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025 đạt từ 70,4 - 72,2 triệu đồng/người/năm; kim ngạch xuất khẩu 5 năm đạt gần 5,3 tỷ USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2025 đạt 43%... Giai đoạn 2025 - 2030: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt 7 - 7,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2030 đạt từ 112,59 - 115,280 triệu đồng/người/ năm; tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm đạt 220 - 227 nghìn tỷ đồng.

Đầu mối giao thương

An Giang đặt mục tiêu đến năm 2025, kinh tế của tỉnh thuộc nhóm đầu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và đạt mức trung bình cả nước. Đến năm 2030 đạt trên mức trung bình cả nước. Định hướng phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, An Giang đẩy mạnh thu hút đầu tư; tập trung phát triển các ngành nông nghiệp quan trọng, gồm ba nhóm ngành hàng chủ lực là lúa gạo, cá tra, rau màu và cây ăn trái... Xây dựng và quảng bá một số thương hiệu tiêu biểu ra thị trường nội địa/thế giới, nhất là các ngành có lợi thế cạnh tranh.

Theo ông Nguyễn Thanh Bình, tỉnh tiếp tục chú trọng cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh toàn diện trên các lĩnh vực; thực hiện các giải pháp cắt giảm và đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; chuyển đổi số, xây dựng chính quyền điện tử tạo động lực nâng cao hiệu quả cải cách hành chính.

Với ý chí, quyết tâm, tinh thần trách nhiệm và sự đồng lòng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, người dân và doanh nghiệp, tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2030 trở thành tỉnh phát triển khá trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long; kinh tế phát triển năng động, hài hòa và bền vững trên cơ sở đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để nâng cao chất lượng phát triển, năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế…

Ông Lê Hồng Quang, Bí Thư Tỉnh ủy An Giang cho hay, tỉnh An Giang đang khẩn trương xây dựng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2023 tầm nhìn năm 2050 phù hợp với quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đảm bảo liên kết chặt chẽ với các địa phương trong vùng. Ngoài ra, tỉnh chú trọng phát triển nông nghiệp, chuyển đổi sản xuất từ chiều rộng sang chiều sâu, ứng dụng công nghệ cao trong phát triển nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Thời gian tới tỉnh cũng tập trung phát triển các khu kinh tế cửa khẩu, phát triển hành lang kinh tế gắn với quốc phòng, an ninh; huy động mọi nguồn lực đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, năng lượng sạch, logistics và đưa An Giang trở thành đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với thị trường Campuchia và trở thành trung tâm đầu mối nông nghiệp của vùng.

An Giang phấn đấu đến năm 2050, tỉnh sẽ trở thành tỉnh phát triển toàn diện, hiện đại, văn minh, sinh thái, bền vững và mang bản sắc văn hóa sông nước của vùng đất đầu nguồn sông Mê Kông; có trình độ phát triển khá so với cả nước; chất lượng cuộc sống của người dân ở mức cao; là điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách từ mọi miền đất nước.

Đặc biệt, tỉnh An Giang phấn đấu đến năm 2050 sẽ trở thành thủ phủ của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm tinh của cả nước và là đích đến của các nhà đầu tư sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, chế biến thực phẩm lớn của thế giới; đầu mối giao thương hàng hóa, dịch vụ của vùng với thị trường Campuchia và các nước khu vực ASEAN.

Thanh Sang

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm