Cuộc cạnh tranh trong đảng Bảo thủ nhằm tìm kiếm người đứng đầu Nội các Anh đã chính thức bắt đầu sau khi Thủ tướng David Cameron công bố kế hoạch từ chức vào tháng 10 tới. Trước đó, ông Cameron từng khẳng định sẽ rời khỏi Phố Downing trước cuộc bầu cử vào năm 2020 và nhiều nhà lập pháp của đảng Bảo thủ đã tỏ rõ ý định sẽ tham gia cuộc chạy đua kế nhiệm này.
Cựu Thị trưởng London Boris Johnson phát biểu trong cuộc họp báo ở London, Anh ngày 24/6. Ảnh: THX/TTXVN |
Sau thất bại hôm 23/6 trong cuộc trưng cầu ý dân về tư cách thành viên của Anh trong EU, việc Thủ tướng Cameron- người khởi xướng cuộc bỏ phiếu này và đi đầu trong chiến dịch vận động nước Anh ở lại liên minh- từ chức là điều khó tránh khỏi.
Ở tuổi 49, ông Cameron là thủ tướng trẻ nhất của Anh trong gần 200 năm qua. Ông tái đắc cử hồi năm 2015 với việc đảng Bảo thủ giành được thế đa số tại Quốc hội. Thủ tướng Cameron sẽ để lại phía sau một đảng Bảo thủ đang bị chia rẽ sâu sắc, với 6 bộ trưởng cùng với 128/330 nhà lập pháp đảng Bảo thủ ủng hộ "Brexit".
Trong ngày 27/6, một ủy ban gồm các nhà lập pháp cấp cao của đảng Bảo thủ tổ chức một cuộc họp để chính thức bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực. Một số cái tên tiềm năng cho vị trí hàng đầu tại Phố Downing đã được nhắc đến. Ứng cử viên sáng giá nhất cho vị trí mà ông Cameron để lại chính là ông Boris Johnson, một nhân vật ủng hộ "Brexit".
Ông Johnson có thể được nhiều người tín nhiệm vì đã đưa phe “Rời khỏi EU” đến chiến thắng. Cựu thị trưởng London 52 tuổi được nhiều người dân ủng hộ và chiến dịch vận động "Brexit" đã giúp ông thu hút được nhiều cử tri đảng Bảo thủ vốn có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu. Cuộc trưng cầu ý dân đã nâng cao vị thế của ông Johnson ở chính trường trong nước, dù ông bị không ít nghị sỹ đảng Bảo thủ và một số người khác chỉ trích rằng ông chỉ ủng hộ chiến dịch “Rời khỏi EU” vì lợi ích chính trị của bản thân.
Nhân vật tiềm năng thứ hai là Bộ trưởng Bộ Tư pháp Michael Gove, bạn thân của ông Cameron, song quyết định ủng hộ "Brexit" của ông Gove là một “đòn giáng mạnh” vào Thủ tướng Cameron. Cựu nhà báo 48 tuổi đại diện cho mặt sáng suốt của chiến dịch "Brexit". Tuy nhiên, ông lại mất điểm trước dư luận khi so sánh giới chuyên gia kinh tế cảnh báo về tác động của "Brexit" với những nhân vật có tư tưởng phát-xít từng liên tục bôi nhọ nhà bác học Albert Einstein hồi thập niên 30 của thế kỷ trước. Sau đó, ông này đã phải xin lỗi công khai.
Bộ trưởng Nội vụ Anh Theresa May trước cuộc họp Nội các ở thủ đô London ngày 27/6. Ảnh: EPA/TTXVN |
Tránh cuộc “nội chiến” trong đảng Bảo thủ với những rạn nứt chi phối chiến dịch trưng cầu ý dân, nhân vật thứ ba Bộ trưởng Nội vụ Theresa May ở vào một vị thế đặc biệt hơn so với các ứng cử viên tiềm năng khác. Mặc dù là một người có tư tưởng hoài nghi sự hội nhập châu Âu và giữ quan điểm cứng rắn trong vấn đề di cư, song bà May lại chính thức tuyên bố việc ủng hộ Anh ở lại EU.
Tuy nhiên thực tế là ứng cử viên 59 tuổi này dường như không thu hút được nhiều sự chú ý của dư luận. Bà tỏ ra khá cân bằng khi vừa trung thành với ông Cameron vừa nhượng bộ yêu cầu của những người ủng hộ đảng Bảo thủ khi kêu gọi cải cách các điều luật cho phép mọi công dân EU tự do sinh sống ở Anh.
Bộ trưởng Tài chính George Osborne, đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron, từ lâu đã được coi là người có khả năng kế nhiệm ông Cameron. Tuy nhiên, nhiều thành viên đảng Bảo thủ không hài lòng với việc ông là một trong những người ủng hộ lựa chọn Anh ở lại EU. Ông đã đưa ra hàng loạt cảnh báo về rủi ro kinh tế của "Brexit" và cho rằng các đối thủ của ông “không hiểu biết gì về kinh tế”.
Trước thềm cuộc trưng cầu ý dân hôm 23/6, ông thậm chí còn cảnh báo nếu "Brexit" trở thành hiện thực, ông sẽ tăng thuế và cắt giảm chi tiêu cho trường học và bệnh viện. Điều này cho thấy nếu tiếp quản nội các, ông Osborne sẽ sẵn sàng thực hiện các biện pháp mạnh tay bất chấp sự phản đối của dư luận. Đa số các nhà bình luận đều cho rằng khả năng ông giành được chiếc ghế Thủ tướng là không cao.
Trong số các ứng cử viên tiềm năng khác còn có hai bộ trưởng ủng hộ châu Âu là Bộ trưởng Giáo dục Nicky Morgan và Bộ trưởng Việc làm và Lương hưu Stephen Crabb. Ở Anh, cử tri bầu chọn đảng cầm quyền chứ không phải bầu thủ tướng. Ứng cử viên kế nhiệm ông Cameron sẽ phải trải qua một cuộc bỏ phiếu của các nghị sỹ đảng Bảo thủ. Hai ứng cử viên về đầu sẽ bước vào một cuộc bỏ phiếu thứ hai với sự tham gia của 150.000 thành viên đảng Bảo thủ.
Theo Thủ tướng Cameron, người kế nhiệm ông sẽ chính thức khởi động “Brexit” bằng cách áp dụng Điều 50 của Hiệp ước Lisbon về EU (2007), cơ sở pháp lý xác định điều kiện để Anh có thể rời khối. Sau đó sẽ là giai đoạn hai bên tiến hành đàm phán các vấn đề liên quan tới việc Anh tách khỏi liên minh và các cuộc thảo luận về quan hệ trong tương lai. Tân Thủ tướng cũng sẽ gánh trách nhiệm đoàn kết một đất nước hiện đang bị chia rẽ nghiêm trọng bởi cuộc trưng cầu dân ý và đối diện với nguy cơ Scotland đòi độc lập.