Đăk Glei là huyện biên giới của tỉnh Kon Tum, với đa phần đồng bào Gié-Triêng sinh sống. Huyện xác định phát triển đảng viên ở cơ sở, vùng đồng bào dân tộc thiểu số là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần nâng cao chất lượng công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn.
Xã Đăk Môn (huyện Đăk Glei) có 12 thôn, làng với 1.786 hộ, 6.645 khẩu, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 87,4%. Từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy xã luôn chú trọng nâng cao năng lực lãnh đạo của các tổ chức Đảng trực thuộc và chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là người dân tộc thiểu số. Qua đó, phát huy tối đa vai trò người đảng viên, trở thành “hạt nhân” chính trị tại cơ sở và từng bước xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh.
Để lựa chọn ra những “hạt giống” tại cơ sở, xã Đăk Môn quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng thế hệ trẻ thông qua các chương trình, hoạt động tại địa phương. Đơn cử trường hợp của chị Y Xô (làng Đăk Tum) trưởng thành từ những phong trào Đoàn. Nhận thấy chị Y Xô là người năng nổ, hết mình vì công việc nên Chi bộ làng Đăk Tum xem xét, giới thiệu để chị được đứng vào hàng ngũ của Đảng.
Thực hiện tốt vai trò một người đảng viên, chị luôn gương mẫu trong công việc và thường xuyên vận động bà con chung tay thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, giữ gìn đường làng, ngõ xóm sạch đẹp. Với vai trò là nhân viên y tế của làng, chị còn tuyên truyền chị em cách sử dụng biện pháp tránh thai phù hợp, không sinh con thứ ba, giữ gìn vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm. Qua đó, đảm bảo thực hiện đúng theo Nghị quyết của Chi bộ đề ra, hướng đến xây dựng khu dân cư văn hóa, văn minh, chị Y Xô chia sẻ.
Đa phần người dân tộc thiểu số tại làng Đăk Tum sinh sống chủ yếu phụ thuộc vào nương rẫy với phương thức canh tác còn lạc hậu. Để bà con thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào vươn lên thoát nghèo bền vững, đảng viên phải là người đi đầu, làm gương cho người dân.
Bí thư Chi bộ làng Đăk Tum A Đổm cho biết, thực hiện cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, các đảng viên phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm trong công tác tuyên truyền, vận động và hỗ trợ người dân tộc thiểu số. Thông qua đó, nhiều hộ dân có những cách làm hay trong phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, biết áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, không còn hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Đời sống người dân trong làng nhờ đó ngày càng nâng lên.
Xác định công tác phát triển Đảng trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là trọng tâm, ngay từ đầu nhiệm kỳ, xã Đăk Môn phát động các phong trào thi đua yêu nước, cuộc vận động để quần chúng ưu tú, nhất là thế hệ trẻ phát huy hết tài năng, trách nhiệm của mình. Lực lượng đảng viên được phân công phụ trách hộ, nhóm hộ tại cơ sở có những đóng góp lớn trong việc giúp người dân từng bước ổn định sinh kế, chung tay thay đổi bộ mặt thôn làng. Bình quân thu nhập đầu người năm 2023 của xã Đăk Môn đạt 40,2 triệu đồng, tăng 20,5 triệu đồng so với năm 2015.
Bí thư Đảng ủy xã Đăk Môn Lữ Thanh Hùng cho rằng, việc phát triển Đảng đối với lực lượng đoàn viên, thanh niên là người đồng bào dân tộc thiểu số cho thấy hiệu quả tích cực. Đội ngũ này luôn đi đầu trong các hoạt động, phong trào và nêu cao trách nhiệm người đảng viên khi luôn tiên phong làm trước để bà con noi theo. Đây còn là cơ sở để địa phương lựa chọn ra những quần chúng ưu tú có đủ điều kiện và tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, theo học các lớp nhận thức về Đảng, tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị tại địa bàn phụ trách.
Nhờ làm tốt công tác phát triển Đảng, huyện Đăk Glei hiện có gần 2.950 đảng viên, trong đó, có 1.965 đảng viên là người dân tộc thiểu số, chiếm hơn 66%. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Đảng bộ huyện kết nạp được 501đảng viên mới, đạt 83,5% so với Nghị quyết Đại hội đã đề ra. Chất lượng đảng viên mới kết nạp ngày càng tăng lên, góp phần duy trì 100% chi bộ thôn, làng có đảng viên là người tại chỗ.
Phó Bí thư Huyện ủy Đăk Glei A Phương cho biết, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác tạo nguồn, phát triển đảng, nhất là tại khu vực nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có đạo. Huyện đẩy mạnh công tác giáo dục quần chúng, phân công nhiệm vụ cho đảng viên chính thức theo dõi, giúp đỡ quần chúng. Đồng thời, huyện chỉ đạo Đoàn Thanh niên cơ sở tăng cường rèn luyện đoàn viên, tạo nguồn phát triển Đảng của cơ quan, địa phương; hằng năm chủ động giới thiệu đề xuất cho Đảng ủy, Chi bộ cử đoàn viên ưu tú tham gia lớp nhận thức về đảng đảm bảo chất lượng và số lượng.
Với những cách làm sáng tạo, đảng viên là người dân tộc thiểu số tại huyện Đăk Glei nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đã xây dựng vững chắc hệ thống chính trị tại cơ sở, thể hiện rõ vai trò lãnh đạo, gương mẫu trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh ở vùng biên giới, tôn giáo... Các đảng viên trở thành “cánh tay” đắc lực của địa phương trong thực hiện hóa chủ trương, đường lối tại cơ sở, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ngày càng giàu mạnh.
Khoa Chương