Xác định xóa bản "trắng" chi bộ là nhiệm vụ trọng tâm trong công tác xây dựng Ðảng, củng cố, kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở, thời gian qua, Tỉnh ủy Điện Biên đã quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền đề ra các giải pháp để không còn thôn, bản chưa có chi bộ, chi bộ sinh hoạt ghép. Công tác xóa bản "trắng" chi bộ nhằm phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng, để mỗi tổ chức cơ sở đảng thực sự là trung tâm đoàn kết, nhịp cầu nối ý Đảng - lòng dân, đưa chủ trương, Nghị quyết của Đảng đi vào cuộc sống.
Quyết tâm cao hoàn thành kế hoạch đề ra
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Ðảng bộ tỉnh Điện Biên đặt ra mục tiêu không còn thôn, bản chưa có chi bộ, chi bộ sinh hoạt ghép tại các huyện: Mường Chà, Mường Nhé, Nậm Pồ, Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông. Thực hiện mục tiêu này, dù mới đi được nửa chặng đường của nhiệm kỳ, nhưng các địa phương đã và đang nỗ lực lớn, quyết tâm cao để hoàn thành kế hoạch đã đề ra. Theo Bí thư Tỉnh ủy Điện Biên Trần Quốc Cường, năm 2023, toàn tỉnh đã kết nạp mới được gần 2.600 đảng viên, đạt 5,74% so với số đảng viên hiện có, vượt 3,56% mục tiêu Nghị quyết đề ra. Đặc biệt, đã giảm được 17 bản "trắng" chi bộ; toàn tỉnh hiện chỉ còn 5 bản chưa có chi bộ độc lập, giảm tới 69 bản so với đầu nhiệm kỳ. Đến nay, cả tỉnh không còn thôn bản nào là không có đảng viên.
Một trong những địa phương điển hình về công tác xóa bản "trắng" chi bộ là huyện Mường Nhé. Đầu nhiệm kỳ, toàn huyện còn 11 bản thuộc 5 xã Mường Nhé, Mường Toong, Chung Chải, Nậm Vì, Nậm Kè chưa có chi bộ. Qua nắm tình hình tại cơ sở, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhận rõ thực trạng chung tại các bản này là đều thuộc diện sắp xếp dân cư theo Đề án 79 của Chính phủ. Việc phát triển đảng viên khó khăn hơn, bởi nơi đây chủ yếu là dân di cư tự do từ nhiều địa phương khác đến nên khó xác định được nơi đi. Việc thẩm tra, thẩm định tiêu chuẩn chính trị của quần chúng cũng không thuận lợi.... Để thực hiện mục tiêu xóa bản "trắng" chi bộ, ngay từ nhiệm kỳ, Huyện ủy Mường Nhé đã ban hành Nghị quyết chuyên đề "Phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, củng cố xây dựng hệ thống chính trị giai đoạn 2021 - 2025"; lựa chọn, phân công cán bộ cơ sở có năng lực, kinh nghiệm phụ trách các bản chưa có chi bộ, các bản có ít đảng viên để tạo nguồn bồi dưỡng kết nạp đảng.
Bản Co Lót, xã Mường Nhé từng là bản chưa có chi bộ. Đảng ủy xã đã phân công Phó Chủ tịch UBND xã Ly Thị Hoa phụ trách địa bàn bản. Không quản ngại khó khăn, những cán bộ phụ trách địa bàn như chị Hoa hàng tuần xuống cơ sở, sâu sát với nhân dân, bồi dưỡng những quần chúng ưu tú để đứng vào hàng ngũ của Đảng. Phó Chủ tịch UBND xã Mường Nhé Ly Thị Hoa chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi đó là dù bản có nhiều người, một số thanh niên rất tích cực tham gia các phong trào, nhưng họ lại là trụ cột chính trong gia đình, thường xuyên phải đi làm ăn xa, nên khó khăn trong việc vận động và kết nạp đảng ở cơ sở. Phụ nữ trong bản cũng nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương nhưng lại bị hạn chế ở một số tiêu chuẩn nên việc tạo nguồn cũng gặp nhiều khó khăn. Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy xã, sự nỗ lực của bản thân, cũng như sự đồng tỉnh ủng hộ của nhân dân, đến nay chi bộ bản Co Lót đã được thành lập và có 5 đảng viên.
Bí thư Huyện ủy huyện Mường Nhé Bùi Minh Hải cho biết: Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, toàn huyện đã xóa được 11 thôn, bản chưa có tổ chức cơ sở đảng, chưa có đảng viên. Để thực hiện hiệu quả nhiệm vụ, Huyện ủy đã xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên và tổ chức cơ sở đảng; tập trung công tác lãnh đạo, chỉ đạo ngay từ đầu nhiệm kỳ. Nhờ đó, điểm bản cuối cùng là Huổi Khon, xã Nậm Kè cũng đã thành lập được chi bộ vào tháng 3/2023.
Củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở
Nỗ lực xóa thôn, bản "trắng" chi bộ và quyết tâm không để xảy ra tình trạng "tái trắng" chi bộ, các cấp ủy, chính quyền trong tỉnh đã ban hành các chủ trương, giải pháp cụ thể để xây dựng, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị tại vùng khó khăn, đặc thù, phân công nhiệm vụ cho các đồng chí trong cấp ủy trực tiếp theo dõi đảng bộ cơ sở. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nậm Pồ Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định: Nhiệm vụ thành lập các chi bộ ở các thôn, bản rất quan trọng, việc củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò của tổ chức cơ sở đảng càng quan trọng hơn. Công tác tạo nguồn để phát triển đảng viên luôn được Huyện ủy quan tâm chỉ đạo. Bên cạnh việc phát hiện, bồi dưỡng quần chúng ưu tú tại chỗ, huyện cũng chú trọng nguồn kết nạp đảng là các thầy cô giáo cắm bản và một số nguồn khác…
Theo Phó Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy Điện Biên Phan Bá Hùng, để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xóa bản "trắng" chi bộ, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết của Trung ương về công tác xây dựng Đảng, như Kết luận số 21 của Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết số 21 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường củng cố tổ chức xây dựng đảng và nâng cao chất lượng đảng viên gắn với việc thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh Điện Biên, Đề án 09 của Tỉnh ủy Điện Biên về tổ chức cơ sở đảng và đảng viên ở các xã đặc biệt khó khăn, các xã biên giới.
Phát huy những kết quả đã đạt được, tiếp tục phấn đấu hoàn thành mục tiêu đến hết năm 2025, 100% thôn, bản có chi bộ độc lập, thời gian tới, Tỉnh ủy Điện Biên sẽ tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện tốt Nghị quyết 04-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh về nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, góp phần củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, tập trung thực hiện tốt công tác phát triển Đảng, kết nạp đảng viên, đây là điều kiện quan trọng quyết định việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng.
Trung Kiên