Duy trì và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản (Bài 1)

Duy trì và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản (Bài 1)
Để cộng đồng hiểu rõ hơn về vấn đề này, phóng viên TTXVN thực hiện loạt bài với chủ đề “Duy trì và phát triển đội ngũ cô đỡ thôn bản” đi sâu phân tích những khó khăn, thách thức trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng như hoạt động hiệu quả của đội ngũ cô đỡ thôn bản ở Việt Nam thời gian qua.

Bài 1: Sáng kiến chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em vùng khó khăn

25 năm trước, Bộ Y tế đã tiến hành đào tạo những cô đỡ thôn bản đầu tiên. Cho đến nay, cả nước có gần 3.000 cô đỡ thôn bản đang hoạt động ở hàng ngàn thôn bản khó khăn trong cả nước. Cô đỡ thôn bản là người dân tộc thiểu số, được lựa chọn từ chính cộng đồng dân tộc tại địa phương. Họ được đào tạo về y tế để thực hiện hiệu quả việc tuyên truyền, tư vấn, phát hiện và chuyển tuyến kịp thời cho các bà mẹ mang thai có nguy cơ tai biến sản khoa; can thiệp làm mẹ an toàn, đỡ đẻ bằng "gói đẻ sạch" cho sản phụ ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn tồn tại tục lệ đẻ tại nhà, nhằm hạn chế các trường hợp tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh.

Mô hình “Cô đỡ thôn bản” đã góp phần hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN
Mô hình “Cô đỡ thôn bản” đã góp phần hoàn thiện mạng lưới chăm sóc sức khỏe sinh sản tại tỉnh Điện Biên. Ảnh: Dương Ngọc - TTXVN

Từ những khó khăn

Theo báo cáo của Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế), hơn 25 năm trước, tỷ lệ tử vong mẹ ở Việt Nam vào khoảng 233/100.000 trẻ đẻ sống, cao gấp 4 lần thời điểm hiện tại. Tử vong mẹ tại các vùng sâu, vùng xa thậm chí còn cao hơn rất nhiều. Giai đoạn 2000 – 2001, tử vong mẹ đã giảm xuống ở mức 165/100.000 trẻ đẻ sống, tuy nhiên vẫn còn có sự khác biệt đáng kể về tình trạng sức khỏe và tử vong giữa các vùng địa lý, kinh tế - xã hội và giữa các nhóm dân tộc. Đặc biệt, tỷ lệ đẻ tại nhà không có cán bộ y tế đỡ đẻ trong giai đoạn này còn rất cao ở khu vực miền núi, dao động trong khoảng 50-58%.

Việc không khám thai, đẻ tại nhà không được hỗ trợ của cán bộ y tế là nguyên nhân quan trọng khiến tình trạng tử vong mẹ còn cao ở các vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Điều này ảnh hưởng đến việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ về giảm tử vong mẹ, tử vong trẻ em và thu hẹp khoảng cách giữa các vùng, miền về sức khỏe bà mẹ và trẻ em. Ngoài ra, nghèo đói, giao thông khó khăn, thiếu thông tin liên lạc, tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế ở những vùng xa xôi, hẻo lánh… là những yếu tố cản trở đồng bào dân tộc sinh con tại cơ sở y tế. Đặc biệt, sự khác biệt về yếu tố văn hóa như ngôn ngữ, phong tục tập quán có liên quan đến việc mang thai, sinh con… cũng làm giảm khả năng tiếp cận và sử dụng dịch vụ y tế của người dân ở vùng núi cao.

Bên cạnh đó, nhân lực y tế, trong đó đặc biệt là nhân lực làm công tác chăm sóc thai sản và sơ sinh ở vùng miền núi luôn thiếu trầm trọng. Cán bộ y tế xã rất khó để thực hiện những dịch vụ làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ sơ sinh tại các thôn bản vùng núi cao và xa xôi hẻo lánh do điều kiện đi lại khó khăn, thiếu kinh phí, trang thiết bị. Trên thực tế, cán bộ y tế là người dân tộc Kinh khó có khả năng hòa nhập, tiếp cận với đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là những dân tộc có nhiều nét văn hóa đặc thù như H’mông, Giẻ Triêng, Raglai…. Đồng thời, các chế độ, chính sách đãi ngộ, động viên, khuyến khích cán bộ y tế làm việc tại vùng khó khăn còn nhiều bất cập…

Đào tạo cô đỡ thôn bản cho vùng khó khăn

Nhận thức được những khó khăn trong công tác chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, Bộ Y tế đã có chủ trương đào tạo các cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số cho các vùng khó khăn.

Từ năm 1992, Bệnh viện Từ Dũ tổ chức đào tạo thí điểm tại Lâm Đồng và Ninh Thuận với 37 học viên đầu tiên thuộc các dân tộc Nùng, Mơ Nông, Tày, Khơ me, S’tiêng… Giai đoạn 1999-2001 đã có 4 khóa đào tạo cho huyện Bù Đăng và Lộc Ninh (tỉnh Bình Phước) với tổng số học viên là 113 người. Từ những thành công bước đầu, Bệnh viện Từ Dũ đã phát triển thành “Chương trình đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số”. Các học viên là những phụ nữ dân tộc có trình độ học vấn thấp, có những người mới chỉ đọc, viết được tiếng Kinh, được bệnh viện phối hợp với Hội Phụ nữ và Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản các tỉnh chọn lọc ở các thôn bản. Các học viên được đào tạo 6 tháng tại bệnh viện về chăm sóc trước, trong và sau sinh cho bà mẹ, trẻ em sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục truyền thông về chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe phụ nữ, trẻ em… Sau đó, họ trở về công tác tại cộng đồng với sự giám sát chuyên môn của các bác sỹ Bệnh viện Từ Dũ. Chương trình đã đào tạo được tổng số 720 cô đỡ thôn bản. Sau khi kết thúc đào tạo, các cô đỡ đều quay lại cộng đồng và được bệnh viện hỗ trợ về vật chất, khuyến khích bằng kinh phí dựa trên các kết quả cung cấp dịch vụ cho phụ nữ và người dân trong cộng đồng của họ.

Từ năm 2008, với sự tài trợ của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA), Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã phối hợp với Bệnh viện Từ Dũ thử nghiệm “Mô hình cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số” tại 3 tỉnh Hà Giang, Ninh Thuận và Kon Tum. Các cô đỡ thôn bản được chọn từ các phụ nữ trẻ người dân tộc thiểu số và hầu hết có trình độ văn hóa từ lớp 5 trở lên; được đào tạo những kỹ năng cơ bản về chăm sóc sản khoa và xử lý ban đầu các tai biến sản khoa, sơ sinh. Đối với các học viên chưa phải là nhân viên y tế thôn bản, chương trình đào tạo kéo dài 18 tháng bao gồm: 9 tháng học lý thuyết, 3 tháng học chương trình y tế thôn bản và 6 tháng thực hành tại cộng đồng với sự giám sát chặt chẽ của Bệnh viện Từ Dũ, Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Với những học viên là nhân viên y tế thôn bản, thời gian đào tạo là 15 tháng. Qua đó, 63 cô đỡ thôn bản được đào tạo theo chương trình trên đã trở về hoạt động tại các thôn bản của 3 tỉnh với sự giám sát thường xuyên của hệ thống y tế địa phương, đặc biệt là trạm y tế xã và được báo cáo, đánh giá trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, sức khỏe bà mẹ và trẻ em của các tỉnh.

Ngoài ra, với kết quả và kinh nghiệm của chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản đã được triển khai, các chương trình, dự án khác của Chính phủ cũng như các tổ chức quốc tế tài trợ cũng đã bắt đầu tiến hành đào tạo cho một số tỉnh miền Bắc và miền Trung theo chương trình chuẩn của Bộ Y tế trong 6 tháng… (Xem tiếp Bài 2: Giúp người dân vùng khó tiếp cận dịch vụ y tế cơ bản)
Thu Phương
(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm