Đón Tết nhiều niềm vui ở miền núi Quảng Ngãi

Đón Tết nhiều niềm vui ở miền núi Quảng Ngãi
Các bạn đoàn viên gắng những cành đào, cành mai lên những ngôi nhà của đồng bào tại làng thanh niên lập nghiệp xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh quangngai.gov.vn
Các bạn đoàn viên gắng những cành đào, cành mai lên những ngôi nhà của đồng bào tại làng thanh niên lập nghiệp xã Sơn Bua, huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Ảnh quangngai.gov.vn

Thôn Mang Cành, xã Sơn Trung, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi vào những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018 rộn ràng niềm vui, bà con trong làng đến nhà nhau chúc Tết rôm rả. Tết này là cái Tết vui nhất từ trước tới nay đối với gia đình anh Đinh Văn Rôn ở thôn Mang Cành. Năm 2017 vừa qua, nhờ chịu khó phát triển kinh tế, gia đình anh Rôn có của ăn, của để, vợ chồng anh đã xây được nhà cửa khang trang và thoát khỏi diện hộ nghèo. Được chính quyền tạo điều kiện, gia đình anh đã vay 50 triệu đồng để đầu tư nuôi bò, trồng sắn, trồng keo. Nhờ đó năm 2017, gia đình có thu nhập gần 200 triệu đồng. Ngoài ra gia đình anh còn trồng lúa rẫy, lúa nước nên kinh tế được cải thiện nhiều- anh Rôn cho biết.

Năm 2017 vừa qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Trung ương, của tỉnh, sự chỉ đạo kịp thời của các cấp ủy, chính quyền, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, kinh tế - xã hội khu vực miền núi Quảng Ngãi đã có nhiều khởi sắc. Nhiều chương trình hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ cây, con giống, các lớp tập huấn, chuyển giao  khoa học kỹ thuật…được triển khai đồng bộ và hiệu quả. Người dân tích cực vươn lên phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo. Hiện nay tỷ lệ hộ nghèo ở miền núi Quảng Ngãi còn 36,39%.

Ông Đinh Tấn Bắc, Chủ tịch UBND xã Sơn Kì, huyện Sơn Hà, Quảng Ngãi cho biết: Những hỗ trợ của Nhà nước qua chương trình 30a,  chương trình 135 đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo hoặc mới thoát nghèo được hỗ trợ vay vốn để tiếp tục sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình.

Cùng với sự hỗ trợ phát triển sản xuất, cơ sở hạ tầng ở miền núi Quảng Ngãi tiếp tục được Nhà nước quan tâm đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi cho các hoạt động giao thương hàng hóa. Đặc biệt nhiều nơi như thị trấn Di Lăng (huyện Sơn Hà), thị trấn Trà Xuân (huyện Trà Bồng), trung tâm huyện Sơn Tây…tiếp tục được Trung ương và tỉnh Quảng Ngãi dành nhiều nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, tạo diện mạo mới cho khu vực miền núi.

Đón Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, người dân khu vực miền núi Quảng Ngãi phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương. Ông Đinh Văn Chang ở xã Sơn Long, huyện Sơn Tây (Quảng Ngãi) chia sẻ: Cách đây khoảng 3 năm, đường vào trung tâm xã chưa được bê tông hóa. Nhưng hiện nay đường vào các thôn, bản cũng đã được bê tông hóa, rất thuận lợi cho việc đi lại, giao lưu, buôn bán trao đổi hàng hóa của bà con. Nhờ đó đời sống của người dân dần được cải thiện.  

Tiếp tục nâng cao đời sống nhân dân, nhất là đồng bào các dân tộc thiểu số, thực hiện công tác giảm nghèo một cách bền vững là  một trong những mục tiêu mà tỉnh Quảng Ngãi đang hướng đến. Tỉnh Quảng Ngãi phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 50% số huyện nghèo của tỉnh thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn theo Nghị quyết 30a của Chính phủ. Riêng năm 2018 này, Quảng Ngãi đặt mục tiêu giảm hơn 3.000 hộ nghèo ở khu vực miền núi. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và bản thân mỗi người dân.

Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Muốn đạt được mục tiêu đề ra, lãnh đạo các huyện, xã cần tiếp tục vận động để người dân tích cực  thay đổi cung cách tổ chức sản xuất nông nghiệp, góp phần thoát nghèo bền vững.

Đón năm mới trong niềm vui, phấn khởi, các cấp ủy, chính quyền địa phương và người dân ở khu vực miền núi Quảng Ngãi tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực để bứt phá đi lên.
Đinh Thị Hương

Có thể bạn quan tâm