Công nhân Công ty CP Cao su Lai Châu phát quang cỏ trên diện tích trồng cao su tại xã Ma Quai, huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN |
Những năm gần đây, ngành cao su chịu sự tác động không nhỏ về giá và tiêu thụ. Nhiều công nhân tham gia với các công ty cao su ở Lai Châu dần bỏ việc do thu nhập kinh tế giảm, lương không còn cao thậm chí bị nợ đọng lương. Trước thực trạng này, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II đã bàn bạc, tìm hướng tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống của công nhân cao su. Ông Nguyễn Xuân Phú, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần cao su Lai Châu II, cho biết: Để giúp công nhân có thêm thu nhập trong giai đoạn khó khăn, công ty khuyến khích hộ đẩy mạnh các mô hình kinh tế như: chăn nuôi đại gia súc, trồng chuối, trồng lúa, lạc, đậu tương xen cùng cây cao su. Cùng với đó là tập trung chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, đưa cây, con giống năng suất, chất lượng cao vào canh tác sản xuất, chăn nuôi. Đồng thời làm cầu nối giúp công nhân có vốn đẩy mạnh sản xuất, chăn nuôi, xây dựng mô hình kinh tế mang lại lợi nhuận kinh tế cao. Được trồng từ năm 2012 đến nay màu xanh cao su đã bao phủ toàn bộ đất trống đồi núi trọc, rừng nghèo kiệt quệ; đến nay cao su đã cao khoảng 7 - 8m, thân to. Chính vì vậy thực bì trên vườn cây cao su đã mang lại nguồn thức ăn dồi dào cho gia súc. Năm 2014, công ty khuyến khích người dân trồng cao su tận thu nguồn cỏ tươi mang về làm thức ăn cho đàn gia súc. Ngoài ra, công ty còn vận động người dân tham gia trồng, chăm sóc vườn cao su đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc bằng hình thức nuôi nhốt. Để có giống, công ty đứng ra tín chấp để người dân mạnh dạn vay Ngân hàng chính sách xã hội huyện 20 - 30 triệu đồng mua trâu hoặc bò. Ban đầu một số hộ mua từ 1 - 2 con trâu, sau hơn 3 năm thực hiện đã có 40 hộ công nhân có gia súc; với việc chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh tốt, đàn gia súc ngày càng phát triển, nhiều hộ đã thu hồi được vốn trả nợ ngân hàng và hiện nay bắt đầu có lãi. Người xưa có câu “Trẻ trồng na, già thì trồng chuối”, vài năm trở lại đây cây chuối đang được bà con vùng biên giới và nội địa đưa vào trồng nhiều bởi dễ trồng, sinh trưởng tốt, nhanh cho thu hoạch và giá cả, đầu ra tương đối ổn định. Nhận thấy lợi thế này và nhiều người dân các xã: Huổi Luông, Ma Ly Pho của huyện Phong Thổ đang dần thoát nghèo nhờ kiên trì trồng chuối. Công ty cũng đã vận động công nhân tận thu những mảnh đất ven lô không trồng được cao su, có độ ẩm cao đưa cây chuối vào thâm canh tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Do tâm lý chưa tin tưởng đưa cây chuối trồng xen ngoài cây cao su, ban đầu chỉ có 3 hộ trồng, mỗi hộ từ 20 - 30 gốc chuối. Từ năm thứ 2 khi chuối cho thu hoạch, thương lái về tìm mua, có thu nhập, nhìn thấy lợi nhuận người dân đã xin chủ trương công ty tận dụng đất ven lô cao su để phát triển nhân rộng vườn chuối. Đến nay, đã có hơn 50 hộ tham gia trồng chuối, hộ ít nhất 20 gốc, nhiều nhất cả 1.000 gốc góp phần tăng thu nhập, đời sống được nâng lên, giảm bớt khó khăn cho người lao động. Anh Sùng A Di, xã Chăn Nưa, huyện Sìn Hồ chia sẻ: Hiện nay, gia đình đang có trên 2.000 gốc chuối bắt đầu cho thu hoạch với giá bán từ 7 - 9 nghìn đồng/kg, mỗi buồng cho thu nhập bình quân từ 15 - 20 kg như vậy giá bán ít nhất khoảng 100 nghìn đồng/1 buồng. Chăm sóc chuối không mất nhiều công sức, chỉ lúc đầu trồng, chăm bón phân là được do vậy thời gian còn lại vẫn có thể tham gia chăm sóc cây cao su. Ngoài thu nhập từ lương công nhân giờ đây gia đình có thêm thu nhập từ trồng chuối vì thế có điều kiện mua sắm trang thiết bị sinh hoạt đắt tiền phục vụ cuộc sống”. Nắm bắt được chủ trương của Nhà nước, tỉnh về hỗ trợ khai hoang ruộng bậc thang, năm 2015, nhiều người dân trồng cao su đã mạnh dạn đầu tư khai hoang thêm đất sản xuất. Bên cạnh một số nương đồi cao su thừa đất sản xuất, một số hộ dân góp đất trồng cao su đã đề xuất công ty cao su cho khai hoang, chuyển đổi thành ruộng bậc thang để trồng lúa nước. Nhiều hộ đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh, đưa giống năng suất, chất lượng cao vào canh tác. Nhờ đó nhiều công nhân đã tự túc lương thực trong gia đình, phục vụ chăn nuôi và bán ra thị trường. Điển hình hộ Sùng A Páo, Sùng A Vừ, Giàng A Mềnh là công nhân đơn vị Cao su Chăn Nưa 1 - Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II với diện tích khoảng 1.500 - 2.000m2 lúa. Hiện nay, Công ty cổ phần Cao su Lai Châu II có trên 4.739ha cao su, 432 công nhân viên chức lao động (353 lao động trực tiếp) và 600 lượt người tham gia lao động mùa vụ mỗi năm. Thu nhập bình quân người lao động bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. Công ty tuyên truyền vận động công nhân, hộ dân tham gia nhận khoán, chăm sóc bảo vệ vườn cây, tăng gia sản xuất: trồng cây ăn quả, rau màu, chăn nuôi gia súc, gia cầm phát triển kinh tế hộ. Chính quyền địa phương, công ty cao su quan tâm xây dựng các mô hình kinh tế đa dạng, góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho công nhân, người dân vùng dự án trồng cây cao su.
Việt Hoàng