Nghề rèn của người Nùng ở Phúc Sen

Nghề rèn của người Nùng ở Phúc Sen
Nếu như người Kinh ở một số địa phương có các nghề thủ công: gốm, đan lát, chiếu…đã trở thành “nghề” và là một hoạt động kinh tế quan trọng thì phần đông ở người Nùng, các nghề thủ công truyền thống cơ bản vẫn mang tính tự cung tự cấp, sản xuất còn lẻ tẻ, rời rạc chưa tách khỏi nghề nông. Nó chỉ là nghề phụ gia đình với hình thức tổ chức mang tính nhỏ hẹp, hoạt động vào dịp nông nhàn. Trong hàng loạt các nghề thủ công hiện nay ở Phúc Sen (tỉnh Cao Bằng) thì nghề rèn được coi là nghề phụ chính đã vượt ra khỏi phạm vi của tính tự cung tự cấp, trở thành hàng hóa đem lại lợi ích kinh tế và thúc đẩy xã hội phát triển.

Từ khi sản phẩm rèn của Phúc Sen trở thành hàng hóa mang lại giá trị kinh tế thì nghề rèn đã thể hiện rõ vai trò của nó trong đời sống của đồng bào đặc biệt là đối với kinh tế gia đình góp phần tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân. Trong các hoạt động mưu sinh trồng trọt, chăn nuôi và thủ công thì nghề rèn đã góp một phần không nhỏ vào thu nhập của gia đình, đem lại giá trị kinh tế cao và không ngừng tăng qua các năm.

Ngay từ thuở sơ khai, nghề rèn  đã thể hiện sự phân công lao động một cách rõ nét, bởi tính chất nặng nhọc của công việc sử dụng sức lao động chân tay là chủ yếu. Chỉ những người nam giới mới có thể tham gia vào công việc này, còn phụ nữ chủ yếu là trồng bông dệt vải, làm ruộng nương và chăn nuôi gia đình. Gia đình nào càng có nhiều nam giới thì việc sản xuất càng phát triển, hàng hóa làm ra được nhiều hơn và thu nhập từ nghề rèn cũng nhiều hơn các gia đình có ít nam giới. Số lao động tham gia rèn tỷ lệ thuận với thu nhập của gia đình.

Trải qua quá trình phát triển lâu dài, nghề rèn truyền thống của người Nùng không chỉ tác động và có vai trò to lớn đối với đời sống kinh tế, xã hội mà còn góp phần tạo dựng diện mạo văn hóa của tộc người ở địa phương. 
 

Cũng giống như nhiều nghề thủ công khác để làm nên một sản phẩm rèn cũng phải trải qua nhiều công đoạn khác nhau: Cắt, chặt nguội; nung lửa; rèn tạo dáng ban đầu; rèn tạo dáng hoàn chỉnh; hoàn thiện sản phẩm. Trong mỗi công đoạn đòi hỏi những kỹ thuật khác nhau đòi hỏi người thợ phải rất khéo léo, tinh tế. Mỗi sản phẩm ra đời là kết quả của sự sáng tạo và lao động miệt mài mà ở đó người thợ gửi gắm cả tâm hồn mình.

Nghề rèn nơi đây cần được bảo tồn và phát triển, thu nhập từ nghề rèn góp phần không nhỏ vào kinh tế gia đình, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào.
langvietonline.vn (Làng Văn hóa Du lịch Các dân tộc Việt Nam)

Có thể bạn quan tâm