Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định chủ động khắc phục và ứng phó với mưa lũ

Các tỉnh, thành phố ven biển từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định chủ động khắc phục và ứng phó với mưa lũ

Theo đó, để kịp thời khắc phục hậu quả mưa, lũ những ngày qua và chủ động ứng phó với tình hình mưa, lũ còn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường trong những ngày tới, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố, các cơ quan thông tin đại chúng theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ; bằng mọi biện pháp thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân, cộng đồng để chủ động phòng tránh; tiếp tục thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 40/CĐ-TW ngày 26/11 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai - Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn. 

Cảnh ngập lụt ở thành phố Huế do mưa to kéo dài (ảnh chụp 17h chiều 3/12). Ảnh: Quốc Việt – TTXVN
Cảnh ngập lụt ở thành phố Huế do mưa to kéo dài (ảnh chụp 17h chiều 3/12). Ảnh: Quốc Việt – TTXVN

Triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các biện pháp phòng, chống nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân tại các khu vực bị ảnh hưởng, đặc biệt là tránh những thiệt hại đáng tiếc về người như đã xảy ra trong những ngày vừa qua ở Quảng Ngãi và Bình Định. 

Tăng cường kiểm tra, hướng dẫn việc neo đậu tầu thuyền tại các khu vực cửa sông, đặc biệt là các sông đang có lũ, tránh để đứt neo, trôi dạt gây thiệt hại về người và tài sản như đã xảy ra trong đợt mưa lũ tháng 10 và 11 vừa qua. 

Tiếp tục đẩy mạnh các nỗ lực tìm kiếm những nạn nhân còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên gia đình có người bị chết; huy động lực lượng triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân sửa chữa nhà ở, xử lý vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất và từng bước ổn định cuộc sống khi lũ rút. 

Tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai để kịp thời chỉ đạo. 

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với đới gió đông trên cao nên từ ngày 1-3/12/2016 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa và mưa to, lượng mưa phổ biến từ 109-278 mm; riêng tại trạm Bạch Mã (Nam Đông) mưa rất to, với lượng mưa 407 mm. Trong ảnh: Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế bị ngập sâu (ảnh chụp 17h chiều 3/12). Ảnh: Quốc Việt – TTXVN
Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với đới gió đông trên cao nên từ ngày 1-3/12/2016 ở tỉnh Thừa Thiên - Huế có mưa vừa và mưa to, lượng mưa phổ biến từ 109-278 mm; riêng tại trạm Bạch Mã (Nam Đông) mưa rất to, với lượng mưa 407 mm. Trong ảnh: Nhiều tuyến đường ở thành phố Huế bị ngập sâu (ảnh chụp 17h chiều 3/12). Ảnh: Quốc Việt – TTXVN

Theo tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh nên các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã có mưa vừa, mưa to, riêng các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định có mưa rất to. Lũ trên các sông từ Thừa Thiên Huế đến Quảng Ngãi đang lên, các sông ở Bình Định đang xuống. Mực nước lúc 7h ngày 3/12 trên sông Bồ tại Phú Ốc là 1,99m (trên BĐ1: 0,49m); sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 5,11m (dưới BĐ1); sông Trà Khúc tại Trà Khúc là 5,37m (trên BĐ2: 0,37m), sông Vệ tại Sông Vệ là 4,44m (dưới BĐ3: 0,06m); sông Kôn tại Thạnh Hòa là 7,21m (trên BĐ2: 0,21m). Dự báo, trong 12h tới, mực nước trên các sông ở Thừa Thiên Huế đến Quảng Nam tiếp tục lên, các sông ở Quảng Ngãi - Bình Định xuống chậm (các sông ở Thừa Thiên Huế dao động ở mức BĐ1-BĐ2; các sông khác ở mức BĐ2-BĐ3). Nguy cơ cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập lụt vùng trũng các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1-2./. 

   

Có thể bạn quan tâm