Nghề đậu bạc Định Công

Nghề đậu bạc Định Công
“Gốm Bát Tràng, bạc Định Công”

Làng Định Công hiện nay nằm bên bờ sông Tô Lịch, thuộc huyện Thanh Trì, thành phố Hà Nội. Theo truyền thuyết, vào thời Lý Nam Đế (thế kỷ thứ VI) ở làng Định Công có ba anh em họ Trần: Trần Hòa, Trần Điện, Trần Điền. Nhờ có bàn tay khéo léo, lại thêm đức tính cần cù, chịu khó, nên họ đã học được nghề làm vàng bạc và mở cửa hàng lấy tên là “kim hoàn” (tức là: vòng vàng). Những đồ vàng bạc do ba anh em làm ra rất tinh xảo, tiếng đồn khắp trong nước. Ba người lại dạy cho dân làng cùng làm nghề, từ đó làng Định Công có nghề làm vàng bạc, truyền từ đời này qua đời khác, được khắp nơi biết tiếng. Trải qua năm tháng, nghề đậu bạc càng phát triển và trở thành một trong 4 nghề tinh hoa nhất Kinh thành Thăng Long. Trước thời Pháp thuộc, làng Định Công có trên 50% gia đình theo nghề truyền thống. Nhưng sau năm 1954, Nhà nước quản lí vàng, bạc, dẫn đến thiếu nguyên liệu nên nhiều người đã bỏ nghề. Một số gia đình kiên quyết giữ lại nghề tổ bằng cách thu mua các cuộn dây đồng cũ rồi đốt chảy ra, lấy đó làm nguyên liệu thay thế tạm thời rồi mạ bạc cho đẹp.
 
Đền thờ tổ nghề Kim hoàn Định Công. Ảnh: dulichhanoi.vn
Đền thờ tổ nghề Kim hoàn Định Công. Ảnh: dulichhanoi.vn

Để có được một sản phẩm bạc đậu, những người thợ phải mất tới hàng chục ngày công với những thao tác công phu, tỉ mỉ, đòi hỏi kỹ thuật, tay nghề cao. Người làm nghề phải nắm chắc 4 kỹ thuật cơ bản: trơn, đấu, chạm, đậu. Trơn là làm những đồ vàng bạc không cần chạm trổ mà chỉ cườm cho nhẵn, bóng, kết hợp gò sao cho hình khối đúng tiêu chuẩn. Đấu là lắp ráp các chi tiết hài hòa, cân đối. Chạm là khắc hình vẽ, hoa văn, hoạ tiết như chạm ám, thúc nổi, hạ cát… lên mặt trang sức hay vàng, bạc. Đậu là kéo bạc đã nung chảy thành sợi chỉ, sau đó se thành sợi mảnh như sợi tóc tạo những họa tiết hoa văn, chim muông, hoa lá… gắn vào đồ trang sức. Trong đó, kĩ thuật đậu bạc đòi hỏi phải có bàn tay khéo léo và nhỏ nhắn, tỉ mỉ. Sản phẩm đậu bạc đạt yêu cầu phải đậu đều tay, hàn luột, không đọng vảy và các chi tiết hài hòa, cân xứng. Mỗi sản phẩm đều là một tác phẩm nghệ thuật khắt khe về kỹ thuật nhưng lại tinh tuý ở giá trị thẩm mỹ và sử dụng. Bạc được dùng phải là loại 999 (trước gọi là bạc 10) thì mới có thể kéo thành các sợi chỉ nhiều kích cỡ khác nhau.

Nếu như trước đây, sản phẩm đậu bạc chỉ là những chiếc nhẫn, những đôi khuyên nhỏ thì nay các nghệ nhân kết hợp yếu tố truyền thống và hiện đại để thổi hồn cho các tác phẩm của mình. Có những sản phẩm như tranh đậu bạc phải mất trên một tháng mới hoàn thành.

Những người giữ lửa

Theo sử gia Phan Huy Chú, nghề đậu bạc Định Công đã có khoảng 1500 năm nay. Sản phẩm đậu bạc của Định Công nức danh khắp đất Kinh kỳ xưa và nhiều nghệ nhân được vào Kinh thành làm đồ trang sức cho Triều đình. Những năm đầu của thế kỷ XIX, làng Định Công có từ 50-60% gia đình theo nghề kim hoàn. Khi nền kinh tế chuyển đổi từ bao cấp sang cơ chế thị trường, số gia đình theo nghề đậu bạc ở Định Công chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Tiền công làm ra chẳng đáng kể so với các ngành nghề khác nên nhiều gia đình gác nghề đậu bạc lại để chuyển đổi sang công việc dễ thở hơn. Trôi theo dòng chảy thời gian, nghề đậu bạc ở Định Công gần như mai một, nhưng giữa vòng tranh tối tranh sáng đó vẫn còn những người yêu nghề, gắn bó và gìn giữ gia sản của cha ông.
 
Những sản phẩm bạc được làm tỷ mỷ của những bài tay tài hoa làng nghề kim hoàn Định Công. Ảnh: dulichhanoi.vn
Những sản phẩm bạc được làm tỷ mỷ của những bài tay tài hoa làng nghề kim hoàn Định Công. Ảnh: dulichhanoi.vn

Có khá nhiều thợ trẻ đã nhanh chóng nắm bắt được những bí quyết làm nghề và trở thành thợ giỏi. Một trong số đó là anh Quách Phan Tuấn Anh, con trai nghệ nhân Quách Văn Trường. Sinh năm 1981, khi còn nhỏ, Tuấn Anh không có ý định nối nghiệp đậu bạc. Anh học Khoa Quản trị Kinh doanh, Đại học Kinh tế Quốc dân. Chính trong những ngày ngồi ghế giảng đường, khi mở mang kiến thức, Tuấn Anh nhận ra giá trị của nghề đậu bạc gia truyền. Vừa học đại học, Tuấn Anh vừa quyết tâm theo nghề của cha. Đến lúc này, niềm say mê của nghệ nhân Quách Văn Trường mới thực sự được truyền cho con trai. Năm 2010, cuộc thi sáng tác mẫu quà tặng thủ công mỹ nghệ Chào mừng 1000 năm Thăng Long-Hà Nội, hai cha con nghệ nhân Quách Văn Trường - Quách Phan Tuấn Anh cùng được trao chứng nhận “Sản phẩm thủ công tinh xảo”. “Nghệ nhân cha” được trao giải với tác phẩm “Rồng bạc”, còn “nghệ nhân con” được trao giải với tác phẩm “Trâu vàng”.

Cùng với cặp cha con Quách Văn Trường - Quách Phan Tuấn Anh, đất nghề Định Công còn có một cặp cha con nổi tiếng khác là Quách Văn Hiểu - Quách Tuấn Tú. Sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Định Công, sống trong một gia đình đã có 5 đời làm nghề đậu bạc, dường như nghề đậu bạc đã ngấm sâu vào con người nghệ nhân Quách Văn Hiểu từ thuở nhỏ. Là đời thứ 5 trong gia đình theo nghề đậu bạc, biết phụ nghề từ khi còn 10 tuổi, đến năm 16-17 tuổi, ông đã trở thành thợ cả trong gia đình. Mặc dù qua nhiều năm nghề đậu bạc thăng trầm nhưng chưa khi nào ông có ý nghĩ bỏ nghề. Đến nay, ông không những gìn giữ được nghề mà còn đào tạo được thành nghề cho lớp trẻ kế cận tiếp tục gìn giữ nghề, vốn quý của đất nước.

Từ năm 2009, tại khuôn viên Thiên đường Bảo Sơn (km8, đường Láng - Hòa Lạc, Hà Nội), gian hàng Đậu bạc Định Công của gia đình ông Quách Văn Hiểu đã xuất hiện tại khu làng nghề truyền thống. Đến thăm gian hàng giới thiệu những kỹ thuật tinh xảo của nghề đậu bạc tại Khu du lịch Thiên Đường Bảo Sơn, nhìn những người thợ trẻ hăng say học nghề truyền thống của cha ông, thấy những giọt mồ hôi tăn dài trên trán những người thợ rồi cầm trên tay và thưởng thức những sản phẩm đậu bạc của làng nghề Định Công… mới thấy hết được sức sáng tạo và tinh hoa của bàn tay người thợ trong đó. Qua những hoa văn, hoạ tiết trang trí trên các sản phẩm, ta nhận thấy rõ đức tính kiên trì, sự thông minh khéo léo, óc sáng tạo của những người thợ kim hoàn Việt Nam nói chung và làng nghề Đậu bạc Định Công nói riêng.

Nghề đậu bạc liệu còn “đậu” lại?

Với một thế hệ trẻ tâm huyết, nghề đậu bạc Định Công đang được giữ gìn, tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn phải giải quyết. Do vắng bóng trên thị trường một thời gian dài nên rất nhiều người không biết đậu bạc là gì, không biết cái hay cái đẹp của sản phẩm đậu bạc. Việc tuyên truyền, quảng bá sản phẩm khó khăn, khách hàng hạn chế.

Trước nguy cơ mai một làng nghề, UBND quận Hoàng Mai kết hợp cùng Chi hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Định Công đã tổ chức lớp dạy nghề cho bạn trẻ trong quận để giữ nghề truyền thống. Tuy nhiên, mỗi khóa chỉ được học trong 3 tháng, mỗi tháng được từ 2 đến 3 buổi, chỉ như học một lớp vỡ lòng về nghề.

Bài toán chung cho tất cả các làng nghề truyền thống hiện nay là nguồn nhân lực kế cận đang cần tìm lời giải thỏa đáng. Nếu vấn đề này được giải quyết, chắc chắn nghề đậu bạc Định Công sẽ ngày càng được phát triển hơn.
Theo thegioidisan.vn

Có thể bạn quan tâm