Tập huấn cạo mủ cao su cho công nhân tại Công ty TNHH MTV cao su Chưmomray. Ảnh: Cao Nguyên - TTXVN |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đắk Lắk, hiện nay, Công ty Cổ phần đầu tư Cao su Đắk Lắk đã triển khai dự án trồng các loại cây công nghiệp dài ngày, chủ yếu là cao su, cà phê tại Lào với tổng vốn đầu tư gần 71 triệu USD. Đến nay, Công ty đã trồng được trên 9.500 ha cao su, cà phê, tập trung ở 2 tỉnh Chămpasắk và Salavan. Các dự án đã giải quyết việc làm thường xuyên cho trên 2.000 lao động của các bộ tộc Lào, với mức thu nhập từ 2,5 đến 4 triệu kíp/tháng (tương đương từ 6,7-10 triệu đồng Việt Nam).
Còn tại Campuchia, các Công ty cao su như Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Cao su Krông Búk, Công ty TNHH MTV Cao su Ea H’leo cũng có các dự án trồng hàng chục nghìn ha cao su với tổng vốn đầu tư hàng trăm triệu USD.
Cụ thể, Công ty Cổ phần Cao su Krông Búk có dự án trồng 9.000 ha cao su tại tỉnh Rattanakiri, với tổng vốn đầu tư gần 54 triệu USD. Đến nay, công ty đã trồng được 5.600 ha cao su, giải quyết việc làm thường xuyên cho 312 lao động. Công ty TNHH MTV Cao su Đắk Lắk có dự án trồng 2.000 ha cao su tại tỉnh Mondunkiri và đến nay đã trồng được 1.840 ha…
Ngoài việc thực hiện tốt các dự án nông, lâm nghiệp, các doanh nghiệp của Đắk Lắk còn đầu tư xây dựng nhiều trường học, trạm y tế, trạm biến áp, đường dây dẫn điện, hệ thống đường giao thông…góp phần phục vụ tốt yêu cầu sản xuất, đời sống cho đồng bào của các tỉnh bạn…
Tỉnh Đắk Lắk đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế, xã hội tuyến biên giới đất liền; đồng thời, hỗ trợ đầu tư tuyến quốc lộ 29 đến cửa khẩu Đắk Ruê… nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong việc kêu gọi đầu tư, phát triển kinh tế, thương mại, du lịch trong khu vực Tam giác phát triển.