Yêu cầu xây dựng một ứng dụng chính thức, duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới

Một số người dân khi đi qua chốt kiểm soát dịch ở "vùng Xanh" xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được hướng dẫn sử dụng phần mềm khai báo y tế điện tử nhanh chóng, tiện lợi hơn bản khai giấy. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN
Một số người dân khi đi qua chốt kiểm soát dịch ở "vùng Xanh" xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được hướng dẫn sử dụng phần mềm khai báo y tế điện tử nhanh chóng, tiện lợi hơn bản khai giấy. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Ngày 13/9, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 242/TB-VPCP truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam về các giải pháp công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới.

Thông báo nêu rõ: Vừa qua các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin đã góp phần quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh từ quản lý xuất nhập cảnh, thực hiện khai báo y tế điện tử, truy vết, phát hiện người tiếp xúc gần với người nhiễm COVID-19, quản lý cách ly, đánh giá nguy cơ dịch bệnh… tới quản lý công tác tiêm chủng, kết quả xét nghiệm, di biến động dân cư…

Yêu cầu xây dựng một ứng dụng chính thức, duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới ảnh 1Một số người dân khi đi qua chốt kiểm soát dịch ở "vùng Xanh" xã Đạ Nhim (huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) được hướng dẫn sử dụng phần mềm khai báo y tế điện tử nhanh chóng, tiện lợi hơn bản khai giấy. Ảnh: Nguyễn Dũng – TTXVN

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo việc xây dựng các ứng dụng thiết thực, dễ sử dụng và các ứng dụng này phải được kết nối, liên thông; dữ liệu phải được quản lý đảm bảo an toàn, chỉ phục vụ công tác phòng chống dịch; người dân không phải sử dụng nhiều ứng dụng khác nhau.

Tuy nhiên trong thực tiễn, các giải pháp, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ phòng, chống dịch vẫn chưa được kết nối, liên thông, chưa tạo thuận lợi cho cả người dân và các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch cũng như công tác quản lý của chính quyền các cấp. Đặc biệt, người dân gặp không ít khó khăn, lúng túng khi phải sử dụng nhiều ứng dụng phòng, chống dịch khác nhau.

Yêu cầu đặt ra là trong thời gian sớm nhất phải có một ứng dụng chính thức duy nhất thuận tiện cho người dân sử dụng, đáp ứng được yêu cầu về thông tin, dữ liệu phục vụ công tác phòng, chống dịch. Khi triển khai ứng dụng mới, tất cả người dân đã khai báo thông tin trên các ứng dụng do các Bộ chỉ đạo xây dựng, triển khai trước đây sẽ phải được tự động cập nhật, chuyển sang ứng dụng mới, không bắt buộc người dân phải khai báo lại từ đầu. Các thông tin về sức khỏe, đi lại, tiếp xúc của người dân được quản lý tập trung, thống nhất và chỉ phục vụ cho mục đích phòng, chống dịch, bảo đảm an toàn thông tin, không được sử dụng vào bất kỳ mục đích nào khác.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam giao Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch. Trước mắt chỉ đạo kết nối, liên thông ngay các cơ sở dữ liệu phát sinh từ các ứng dụng do Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế đã chỉ đạo xây dựng (hiện do Bộ Thông tin và Truyền thông quản lý) và kết nối, liên thông với cơ sở dữ liệu dân cư do Bộ Công an quản lý để phục vụ phòng, chống dịch. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, thống nhất với Bộ Công an, Bộ Y tế để chỉ đạo phát triển một ứng dụng chính thức của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 để người dân sử dụng thuận tiện (tạm gọi là ứng dụng phòng, chống Covid - PcCovid).

Yêu cầu xây dựng một ứng dụng chính thức, duy nhất phục vụ phòng, chống dịch COVID-19 trong tình hình mới ảnh 2Quét mã QR trước khi liên hệ làm việc tại Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang. Ảnh: Lê Sen – TTXVN

Bộ Y tế chỉ đạo toàn hệ thống y tế thực hiện cập nhật, kết nối thông tin cần thiết cho công tác phòng chống dịch COVID-19 trong cơ sở dữ liệu hồ sơ sức khỏe điện tử của người dân, kết quả xét nghiệm, kết quả quả tiêm vaccine, điều trị bệnh nhân COVID-19… Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu về Bảo hiểm Y tế.

Bộ Công an, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam thực hiện kết nối, chia sẻ các thông tin cần thiết cho công tác phòng, chống dịch trong cơ sở dữ liệu dân cư với các cơ sở dữ liệu khác có liên quan; chỉ đạo Công an các địa phương tham mưu cho chính quyền các cấp tổ chức triển khai và kiểm tra, giám sát việc thực hiện ứng dụng mới (PcCovid).

TTXVN

TTXVN

Có thể bạn quan tâm