Yên Bái thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia vùng miền núi

Ngày 14/8, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Phó trưởng Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia Hầu A Lềnh cùng Đoàn công tác đã làm việc tại tỉnh Yên Bái về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia năm 2024.

vna_potal_bo_truong_chu_nhiem_uy_ban_dan_toc_lam_viec_tai_yen_bai_7537298.jpg
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: TTXVN phát

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho rằng, mặc dù còn gặp một số khó khăn, nhưng việc triển khai tổ chức thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia của các cơ quan, địa phương trong tỉnh đã thể hiện tinh thần quyết tâm cao, đạt được những kết quả tích cực. Yên Bái đã có nhiều cách làm hay, linh hoạt, sáng tạo trong quá trình triển khai thực hiện. Việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, nội dung, danh mục đầu tư thuộc các chương trình mục tiêu quốc gia được xác định trên cơ sở có sự đồng thuận, đồng lòng của người dân, doanh nghiệp, các cấp, các ngành. Các chương trình mục tiêu quốc gia được thực hiện đảm bảo tiến độ đề ra.

Để hoàn thành các nhiệm vụ triển khai các chương trình mục tiêu quốc gia, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đề nghị thời gian tới, các sở, ban, ngành của tỉnh cần tiếp thu, bổ sung thông tin trong báo cáo để làm rõ hơn về những kết quả đạt được; bám sát chỉ đạo của Trung ương để triển khai thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; rà soát các nhóm vấn đề, ban hành các văn bản phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương...

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh nhấn mạnh, tỉnh Yên Bái cần quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo các địa phương giải ngân đảm bảo tiến độ, đảm bảo quy trình, thủ tục theo quy định; linh hoạt, sáng tạo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ; tổ chức tổng kết, rút kinh nghiệm, nhân rộng các mô hình điển hình trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia. Tỉnh cần triển khai đồng bộ các chính sách, phát huy tốt vai trò của người có uy tín trong cộng đồng, đảm bảo quyền, lợi ích, vai trò tham gia của người có uy tín trong thực hiện công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; quan tâm bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp, đảm bảo cơ cấu, số lượng ở các lĩnh vực, ngành nghề…

vna_potal_bo_truong_chu_nhiem_uy_ban_dan_toc_lam_viec_tai_yen_bai_7537297.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Trần Huy Tuấn tiếp thu toàn bộ ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Ban Dân tộc, các sở, ban, ngành hoàn thiện báo cáo trên cơ sở các ý kiến đóng góp của các thành viên trong Đoàn công tác. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục chỉ đạo, nỗ lực, cố gắng hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia theo lộ trình đề ra.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo các sở, ngành của tỉnh đã báo cáo với Đoàn công tác về kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh năm 2024; tình hình vùng đồng bào dân tộc thiểu số, kết quả thực hiện công tác dân tộc năm 2024; hoạt động của Ban đại diện Hội đồng quản trị và Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Yên Bái năm 2023 và 7 tháng đầu năm 2024.

Các đại biểu cũng đã thảo luận, làm rõ một số kết quả nổi bật trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Yên Bái năm 2024; nêu lên những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện và đề xuất giải pháp triển khai trong thời gian tới.

vna_potal_bo_truong_chu_nhiem_uy_ban_dan_toc_lam_viec_tai_yen_bai_7537295.jpg
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: TTXVN phát

Tính đến hết năm 2023, hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của tỉnh Yên Bái còn 12,14%; có 17/28 xã thoát ra khỏi diện đặc biệt khó khăn; 25/27 thôn thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn. Từ năm 2021 đến nay, tại Yên Bái, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đã hỗ trợ làm mới 1.172 nhà và đầu tư 220 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu. Đến hết ngày 31/12/2023, toàn tỉnh có 28.810 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo được xét duyệt cho vay vốn từ nguồn vốn vay tín dụng ưu đãi để phát triển kinh tế với tổng vốn cho vay đạt 1.950,2 tỷ đồng. Toàn tỉnh có 106 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 11 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 4 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới...

Tuấn Anh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm