Do ảnh hưởng của không khí lạnh nén rãnh áp thấp, nên từ rạng sáng 29/4, trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã có mưa, mưa vừa có nơi mưa to và dông. Mưa to kèm theo lốc xoáy đã gây nhiều thiệt hại về nhà cửa, tài sản, hoa màu của người dân trên địa bàn các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên và thành phố Yên Bái. Ước thiệt hại do mưa to và lốc xoáy trên toàn tỉnh khoảng 11 tỷ đồng.
Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Yên Bái, đã có 253 nhà ở bị thiệt hại. Trong đó 39 nhà (thành phố Yên Bái 30 nhà; Văn Chẩn 8 nhà; Yên Bình 1 nhà) bị tốc mái, hỏng mái từ 30% đến dưới 50% diện tích mái; 155 nhà (thành phố Yên Bái 120 nhà; Văn Chấn 35 nhà) bị tốc mái, hỏng mái dưới 30% diện tích mái; 59 nhà ở huyện Trấn Yên bị tốc mái và hư hỏng.
Tổng diện tích nông, lâm nghiệp bị thiệt hại là 683,85 ha. Trong đó lúa thiệt hại 239,2 ha (Trấn Yên 154,2 ha; thành phố Yên Bái 85 ha); ngô 309,05 ha (Trấn Yên 202,4 ha; thành phố Yên Bái 101 ha; Văn Yên 5 ha; Yên Bình 0,65 ha); rau màu 12 ha (Trấn Yên 8 ha; thành phố Yên Bái 4 ha), 63,6 ha cây lâm nghiệp ở huyện Trấn Yên bị gãy đổ....
Mưa to kèm dông lốc cũng khiến 21 cột điện bị đổ (thành phố Yên Bái 15, Trấn Yên 4 , Văn Chẩn 2); đường dây điện 0,4KV tại thôn 5 xã Hòa Cuông, huyện Trấn Yên bị đứt. Một số công trình văn hóa, y tế ở thành phố Yên Bái và Trấn Yên cũng bị hư hỏng; trên địa bàn thành phố Yên Bái, 125 cây xanh bị đổ, gãy.
Mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ 18 khu vực tại thành phố Yên Bái, tập trung tại các phường: Yên Ninh, Minh Tân, Nguyễn Phúc, Đồng Tâm... như: Đường Điện Biện đoạn từ cây xăng Km2 đến Cầu Dài; đường Kim Đồng - đường Hoàng Văn Thụ (ngã ba Khe Sến); khu vực cổng Trường Nguyễn Du; khu vực đường Lê Văn Tám đến đường Đinh Tiên Hoàng...
Ngay sau khi nhận được tin báo của địa phương bị thiệt hại, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các huyện Văn Chấn, Trấn Yên, Yên Bình, Văn Yên và thành phố Yên Bái đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp xã khẩn trương kiểm tra, thống kê thiệt hại và huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục thiệt hại để đảm bảo ổn định đời sống cho nhân dân.
Các trạm y tế phân công cán bộ ứng trực đảm bảo sơ cấp cứu kịp thời khi có tình huống xảy ra. Các bên liên quan huy động lực lượng xung kích, dân quân, đoàn thanh niên, các đoàn thể xuống các thôn, tổ giúp đỡ các gia đình, cá nhân khắc phục bị thiệt hại; cắt dọn cây xanh bị đổ trên địa bàn; phối hợp với điện lực khẩn trương khắc phục và đảm bảo an toàn về điện trên địa bàn.
Lực lượng chức năng duy trì trực 24/24 giờ, theo dõi chặt chẽ các bản tin dự báo, cảnh báo; thông tin kịp thời đến tận các thôn, bản để chính quyền, người dân biết, chủ động phòng tránh; sẵn sàng các phương án ứng phó đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân khi có tình huống bất ngờ xảy ra.
Việt Dũng