Quang cảnh tại hội nghị. Ảnh: Đức Tưởng- TTXVN |
Theo ông Nhâm Xuân Trường, Phó chánh Văn phòng điều phối Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái, đến tháng 9/2019, toàn tỉnh có thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; huyện Trấn Yên phấn đấu hoàn thành huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2019.
Đồng thời năm 2020, tỉnh phấn đấu có thêm 10-12 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, lũy kế toàn tỉnh có 80/157 xã được công nhận; 20-22 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 5-10 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đến năm 2020, nâng số tiêu chí bình quân toàn tỉnh đạt 16,2 tiêu chí/xã. Giảm số xã dưới 10 tiêu chí xuống còn 60 xã, chiếm 38%.
Để đạt được kết quả trên, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy yêu cầu trong thời gian tới các sở, ban, ngành, địa phương, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp, hợp tác xã và nhân dân cần gắn xây dựng nông thôn mới với tái cơ cấu ngành nông nghiệp và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương trong từng giai đoạn. Từ đó, xây dựng các chương trình, kế hoạch, mục tiêu, giải pháp thực hiện cho giai đoạn tiếp theo một cách bài bản, cụ thể, sát thực tiễn, nhất là đối với các xã, thôn, bản ở các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa.
Cùng với đó, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp và đoàn kết quần chúng nhân dân, thực sự phát huy vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng nông thôn mới. Triển khai sâu rộng và thiết thực phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" nhằm cổ vũ, động viên và tạo sự lan tỏa trong cộng đồng và nhân dân.
Tỉnh Yên Bái cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đẩy mạnh triển khai Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới; thực hiện có hiệu quả chính sách thu hút doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.
Đi đôi với việc thực hiện các biện pháp trên, tỉnh Yên Bái còn yêu cầu các ngành, địa phương, các tổ chức chính trị xã hội tiếp tục huy động, lồng ghép sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng mới, nâng cấp cải tạo hệ thống hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn.
Đồng thời, thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường nông thôn, làm tốt công tác an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh và bền vững, đặc biệt là tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải, mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất một huyện thoát nghèo.
Ngoài ra, tỉnh tiếp tục bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới các cấp, nhất là ở cấp xã, thôn để nâng cao chất lượng công tác tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của vùng. Thực hiện tốt phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; nhân rộng và phát huy hiệu quả các mô hình tự quản, đảm bảo giữ vững an ninh trật tự xã hội…
Qua 10 năm xây dựng nông thôn mới tỉnh Yên Bái đã có một bước tiến dài, từ quán triệt chủ trương, thay đổi nhận thức, đến chuyển biến thành hành động cụ thể của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân các dân tộc trong tỉnh. Đến hết tháng 9/2019, toàn tỉnh Yên Bái có 57/157 xã đạt chuẩn, chiếm tỷ lệ 36,3%. Dự kiến đến hết năm 2019 đạt 68 xã (tỷ lệ 43,3%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Về hạ tầng kinh tế- xã hội nông thôn, tổng chiều dài đường giao thông nông thôn được đầu tư, nâng cấp là 7.470 km; trong đó, kiên cố hóa là 2.289 km, cấp phối và đường đất là 5.181 km. Toàn tỉnh có trên 2.319 công trình và cụm công trình thủy lợi. Trên 85% hộ dân được sử dụng điện thường xuyên an toàn từ các nguồn điện.
Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Về thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2019 ước đạt khoảng 29,88 triệu đồng/người.
Tại hội nghị, UBND tỉnh Yên Bái cũng đã tặng Cờ thi đua cho 9 tập thể; bằng khen cho 42 tập thể và 77 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua "Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới".