Yên Bái: Nỗ lực thu hút, đào tạo nguồn nhân lực

Cán bộ trạm y tế xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) tiêm phòng cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN
Cán bộ trạm y tế xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) tiêm phòng cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN

Xác định phát triển nguồn nhân lực là một trong ba khâu đột phá chiến lược, tỉnh Yên Bái đặc biệt quan tâm tới công tác này, trọng tâm là nâng cao chất lượng nhân lực khu vực nông nghiệp, nông thôn; nhân lực đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ; xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn hiện nay.

Thu hút, trọng dụng nhân tài

Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái Đỗ Đức Duy cho biết, tỉnh chú trọng nâng cao nhận thức cho lãnh đạo các cấp ủy về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phát hiện, thu hút, trọng dụng nhân tài trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời, đổi mới về tư duy, quan điểm trong thực hiện công tác quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ được đào tạo từ cơ sở, trưởng thành trong thực tiễn công việc; có chính sách đặc thù thu hút đội ngũ tri thức có năng lực, trình độ cao về tỉnh làm việc.

Nhận thức rõ về vấn đề này, ngành Y tế Yên Bái đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách thu hút nhân lực y tế có trình độ cao về công tác tại tỉnh, khắc phục kịp thời tình trạng thiếu bác sĩ tại y tế cơ sở, đặc biệt là tuyến huyện, tuyến xã. Năm 2022, ngành Y tế đã tuyển dụng được 29 bác sĩ, dược sỹ và 170 viên chức vào làm việc tạo các đơn vị y tế sự nghiệp công lập.

Thạc sỹ, bác sỹ Lê Thị Hồng Vân - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Yên Bái cho biết, để thu hút, tạo động lực cho lực lượng y tế có trình độ cao về công tác, tỉnh Yên Bái hỗ trợ từ 100 - 550 triệu đồng đối với bác sỹ, dược sỹ, được ưu tiên xét tuyển vào làm việc tại các cơ sở tuyến tỉnh; nếu về làm việc tại 2 huyện đặc biệt khó khăn là Trạm Tấu và Mù Cang Chải sẽ được hỗ trợ thêm 2 triệu đồng/tháng. Ngoài ra còn được hỗ trợ kinh phí từ nguồn thu của đơn vị thông qua quy chế chi tiêu nội bộ.

Yên Bái: Nỗ lực thu hút, đào tạo nguồn nhân lực ảnh 1Cán bộ trạm y tế xã Minh Xuân, huyện Lục Yên (Yên Bái) tiêm phòng cho học sinh trên địa bàn. Ảnh: Tiến Khánh – TTXVN.

Cùng với thực hiện tốt, kịp thời các chế độ đãi ngộ để thu hút nhân tài thì công tác sắp xếp, sử dụng cán bộ trẻ có tài được tỉnh Yên Bái rất quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cán bộ giỏi làm việc và phát huy tài năng, nhất là cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số tại các huyện vùng cao đặc biệt khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Yên Bái cho biết, công tác tuyển dụng, sử dụng cán bộ tỉnh Yên Bái luôn gắn với việc cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị; xây dựng chính sách thu hút cán bộ gắn liền với bổ nhiệm, sắp xếp vị trí công tác xứng đáng đối với cán bộ thực đức, thực tài. Đặc biệt, ưu tiên cán bộ là người đồng bào tại địa phương.

Để thực hiện tốt vấn đề này, tỉnh Yên Bái xác định luân chuyển cán bộ về cơ sở là giải pháp quan trọng nhằm sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch được rèn luyện toàn diện trong thực tiễn, tạo nguồn cán bộ lâu dài cho cấp ủy, chính quyền các cấp. Đồng thời, tăng cường cán bộ cho các lĩnh vực và địa bàn còn thiếu, khắc phục tình trạng cục bộ, khép kín trong công tác cán bộ ở từng địa phương, đơn vị.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, một số cán bộ công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã chưa đạt chuẩn về chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, tin học, quản lý nhà nước. Công tác quy hoạch, tạo nguồn cán bộ ở cơ sở chưa thực sự được quan tâm, dẫn đến tình trạng thiếu cán bộ kế cận. Một số vị trí công tác chưa đúng với chuyên môn và sở trường công tác, kiêm nhiệm nhiều chức danh. Nguyên nhân do một số địa phương, đơn vị còn thiếu cán bộ và năng lực còn yếu so với quy định.

Yên Bái: Nỗ lực thu hút, đào tạo nguồn nhân lực ảnh 2Lớp học nghề điện lạnh tại Trường Trung cấp Nghề Dân tộc nội trú Nghĩa Lộ. Ảnh: baoyenbai.com.vn

Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ

Song song với thu hút nhân tài, tỉnh Yên Bái quan tâm dành nguồn lực thỏa đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ gắn với vị trí việc làm, cơ cấu ngạch, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, tiêu chuẩn chức danh cán bộ với nhiều hình thức đa dạng, như đào tạo, bồi dưỡng trong nước, nước ngoài; đào tạo dài hạn tập trung kết hợp với bồi dưỡng, tập huấn ngắn ngày; chăm lo giáo dục phổ thông... Trong đó, đào tạo và bồi dưỡng cán bộ trẻ luôn là nhân tố được tỉnh Yên Bái đặc biệt coi trọng, có ý nghĩa quyết định thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương trong hiện tại và tương lai. Do vậy, việc tìm kiếm, lựa chọn, bồi dưỡng tạo nguồn để trẻ hóa cán bộ, nhất là cán bộ tại địa phương được tỉnh Yên Bái chăm lo từ giáo dục phổ thông. Các trường dân tộc nội trú sẽ là nơi tạo nguồn cán bộ trẻ tại chỗ bền vững nhất, đảm bảo chất lượng nhất cho địa phương.

Ông Tạ Văn Long, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái cho biết, công tác phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ trẻ được tỉnh Yên Bái làm rất thận trọng, bài bản, đúng quy trình. Phần lớn các địa phương đã thực hiện công tác dự nguồn các chức danh cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp đủ về số lượng, đáp ứng về chất lượng và cơ cấu, nhất là cơ cấu giữa các độ tuổi để đưa vào quy hoạch, đảm bảo quy định theo hướng tăng tỷ lệ cán bộ trẻ, cán bộ dân tộc thiểu số tại địa phương. Theo đó, nhiều đề án, kế hoạch về đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2021 - 2025 được tỉnh Yên Bái tổ chức triển khai thực hiện. Nhiều cán bộ trẻ được kết nạp đảng từ trong các trường phổ thông và được quy hoạch, đào tạo theo nhu cầu, từng bước đáp ứng yêu cầu nhiều vị trí công tác còn thiếu.

Ông Giàng A Thào, Bí thư Huyện ủy Trạm Tấu cho rằng, để tạo nguồn đội ngũ cán bộ trẻ tại chỗ, cán bộ người dân tộc thiểu số có đủ năng lực, trình độ đáp ứng yêu cầu công việc thì cán bộ đó cần được đào tạo cơ bản từ giáo dục phổ thông, trong quá trình công tác thường xuyên được tập huấn để nâng cao năng lực, trình độ mọi mặt. Số cán bộ trẻ được quy hoạch phải được thử thách, rèn luyện, tạo môi trường thuận lợi để phát huy cao nhất về phẩm chất, năng lực, trình độ được đào tạo.

Thực tiễn đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ của huyện Trạm Tấu được ông Giàng A Thào chia sẻ thêm: Sau khi được Tỉnh ủy phê duyệt, số cán bộ trẻ sẽ được huyện bố trí vào các chức danh công tác phù hợp với năng lực, sở trường. Trước khi cất nhắc lên chức vụ cao hơn, bắt buộc cán bộ đó phải trải qua nhiều nhiệm vụ mới, nhiệm vụ khó tại cơ sở, nhất là những vị trí có liên quan trực tiếp đến người dân, tổ chức để thử sức, rèn luyện và tích lũy kinh nghiệm.

Tuy vậy, việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trẻ ở nhiều cơ sở trên địa bàn cũng còn một số tồn tại, cần tập trung khắc phục như: còn tập trung vào việc chuẩn hóa bằng cấp, chưa chú trọng đến đào tạo, bồi dưỡng theo vị trí việc làm nên ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng, hiệu quả công việc được giao; số cán bộ trẻ được đào tạo, bồi dưỡng bài bản về lý luận chính trị, chuyên môn sâu chưa cao, làm việc chủ yếu qua kinh nghiệm thực tiễn…

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm