Yên Bái nâng cao giá trị sản phẩm chè

Tỉnh Yên Bái đang tập trung tái cơ cấu ngành chè theo hướng thâm canh tăng năng suất, lựa chọn giống chè chất lượng cao để cải tạo, mở rộng diện tích tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, đảm bảo cho mối liên kết bền vững giữa người trồng chè với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm, nhằm sớm đạt mục tiêu đưa cây chè trở lại đúng với vị thế và tiềm năng vốn có.

vna_potal_yen_bai_tai_co_cau_nang_cao_gia_tri_san_pham_che_7369683.jpg
Diện tích trồng chè tại huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Phát triển vùng chè tập trung, chất lượng cao

Trước đây, Yên Bái có diện tích chè đứng thứ hai toàn quốc, với tổng diện tích hơn 12.000 ha chè. Cây chè thực sự là cây xóa đói giảm nghèo cho hàng vạn nông dân, hình thành nhiều vùng chè tập trung nổi tiếng, như: Yên Bình, thị xã Nghĩa Lộ, Văn Chấn, Trấn Yên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân mà đến nay diện tích chè trên toàn tỉnh còn khoảng 7.600 ha, cho tổng sản lượng búp tươi đạt hơn 70 nghìn tấn, năng suất đạt 9,8 tấn/ha, không đồng đều giữa các vùng.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã rà soát, quy hoạch và đầu tư cơ sở hạ tầng những vùng chè tập trung quy mô lớn; hỗ trợ người dân thâm canh tăng năng suất diện tích chè hiện có, thực hiện việc trồng mới, trồng thay thế diện tích chè già cỗi bằng các giống cho năng suất, chất lượng cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của từng vùng; chú trọng công tác tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn người trồng chè áp dụng quy trình trồng chè hữu cơ, theo tiêu chuẩn VietGAP.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh đã xác định được 4 vùng chè tập trung, có quy mô hàng nghìn ha trở lên; lựa chọn 3 giống chè tiêu biểu, phù hợp; trong đó, Văn Chấn là huyện có diện tích chè lớn nhất của tỉnh Yên Bái, là vùng quy hoạch trọng điểm phát triển cây chè. Bên cạnh việc phát triển chè đặc sản Shan tuyết, huyện đã chỉ đạo chuyển đổi từ chè trung du sang các giống chè lai chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu thị trường.

vna_potal_yen_bai_tai_co_cau_nang_cao_gia_tri_san_pham_che_7369673.jpg
Thu hoạch chè tại Yên Bái. Ảnh: TTXVN phát

Ông Đinh Văn Trường, Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn cho biết, nhận biết tiềm năng kinh tế khá cao từ cây chè mang lại, huyện đã khôi phục, thâm canh diện tích chè đã có, mở rộng những vùng đất thấp để quy hoạch tập trung thành vùng chè quy mô lớn, từ đó ưu tiên đầu tư xây dựng hạ tầng vùng chè, như: đường giao thông, hỗ trợ vườn ươm cây giống, cơ khí hóa vào khâu trồng và thu hoạch chè... Hiện, mỗi năm huyện trồng cải tạo từ 200 - 300 ha giống chè lai chất lượng cao, người dân vùng chè đã có thu nhập chủ yếu từ cây chè, thực sự sống bằng nghề trồng chè.

Là địa phương nằm trong quy hoạch vùng chè, xã Bảo Hưng (Trấn Yên) có trên 300 hộ dân trồng chè đều tham gia dự án "Sản xuất chè an toàn, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Nhờ đó, người dân đã chuyển phần lớn diện tích trồng chè giống cũ sang trồng chè Bát tiên chất lượng cao kết hợp với trồng xen cây mắc ca, với phương thức trồng theo hướng hữu cơ, sinh thái, tạo nên sản phẩm là chè búp tươi sạch, có hương vị thơm ngon, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ tịch UBND xã Bảo Hưng chia sẻ, khi trồng thay thế bằng giống chè Bát tiên, 100% các hộ trồng chè được tham gia các lớp tập huấn về trồng, chăm sóc chè theo kỹ thuật đặc biệt, do vậy cho năng suất cao hơn 20 đến 30% so với cách trồng truyền thống; đồng thời, ứng dụng quy trình trồng chè theo tiêu chuẩn VietGAP, áp dụng nghiêm ngặt quy trình sản xuất chè sạch, không sử dụng phân bón vô cơ và thuốc trừ sâu, chuyển sang sử dụng chế phẩm sinh học và phân bón hữu cơ, nhờ vậy sản phẩm chè búp tươi sản xuất đến đâu đều được thu mua đến đó, giá chè tăng từ 2-3 lần so với chè trung du.

Thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị

Theo thống kê từ Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, tính đến cuối năm 2023, toàn tỉnh có 52/105 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, các cơ sở còn lại dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng do thiếu nguyên liệu sản xuất. Mặc dù, sản lượng chè khô tăng mạnh trong những năm gần đây, nhưng chỉ đạt khoảng hơn 15,5 nghìn tấn; trị giá trên 850 tỷ đồng. Đến nay, tỉnh Yên Bái đã có 19 sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP).

Ông Vũ Vinh Quang, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Yên Bái cho biết, đi đôi với việc tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tỉnh Yên Bái đang rà soát đánh giá năng lực sản xuất, khả năng tài chính của các đơn vị chế biến. Từ đó, quy hoạch, cấp phép lại mạng lưới các cơ sở chế biến theo hướng có đủ khả năng đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại cho chế biến sâu, đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm, có công suất phù hợp với nguồn nguyên liệu.

vna_potal_yen_bai_tai_co_cau_nang_cao_gia_tri_san_pham_che_7369688.jpg
Vùng trồng chè lai tại các xã vùng hạ huyện Văn Chấn (Yên Bái). Ảnh: TTXVN phát

Đặc biệt, tỉnh Yên Bái đã hỗ trợ các đơn vị chế biến thông qua xây dựng vùng nguyên liệu tập trung; xây dựng cơ chế, chính sách cho liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn các doanh nghiệp, cơ sở chế biến, tiêu thụ chè trên địa bàn với người dân trồng chè trong vùng nguyên liệu. Ngoài ra, còn hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đăng ký nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn ngốc, chứng nhận sản phẩm chè đạt tiêu chuẩn OCOP thuộc Chương trình mỗi xã một sản phẩm, xúc tiến thương mại...

Để đạt tiêu chuẩn chè xuất khẩu, bên cạnh giống chè có chất lượng cao thì nguồn nguyên liệu búp chè tươi phải sạch, không có dư lượng hóa chất. Do vậy, các doanh nghiệp chế biến luôn liên kết chặt chẽ, cùng giám sát, đồng hành với các nhóm hộ trồng chè trong vùng nguyên liệu từ khâu trồng, chăm sóc và thu hoạch. Theo đó, doanh nghiệp chế biến cam kết thu mua với giá cao ngay từ đầu vụ, ngược lại các hộ dân trồng chè cam kết trồng chè sạch, theo hướng hữu cơ.

vna_potal_yen_bai_tai_co_cau_nang_cao_gia_tri_san_pham_che__7369691.jpg
Nông dân xã Bảo Hưng (Trấn Yên, Yên Bái) thu hoạch chè tươi bằng máy cho công suất đạt 300 đến 400 kg/ngày. Ảnh: TTXVN phát

Ông Phạm Văn Bàn, Giám đốc Hợp tác xã Chè xanh chất lượng cao Bảo Hưng (Trấn Yên) chia sẻ, hợp tác xã ký hợp đồng lâu dài với hộ trồng chè, chịu trách nhiệm cung ứng giống, phân bón, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái và bao tiêu toàn bộ sản phẩm chè búp tươi theo giá cao hơn nhiều lần so với giá thị trường của chè thông thường. Người trồng chè chuyên sâu vào thâm canh, chăm sóc theo hướng dẫn, yêu cầu của hợp tác xã. Mô hình liên kết đã tạo việc làm, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần ổn định và nâng cao đời sống cho người dân trồng chè.

Với kinh nghiệm của chủ doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu chè gần 30 năm, ông Nguyễn Trọng Hữu, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến chè Hữu Hảo (xã Lương Thịnh, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái) khăng định, liên kết sản xuất nguyên liệu chè gắn với bao tiêu sản phẩm ổn định. Từ đó, xây dựng vùng trồng chè tập trung gắn với công nghiệp chế biến là hướng đi phù hợp, bền vững để phát triển cây chè, góp phần đưa cây chè trở thành một trong mười cây trồng chủ lực của tỉnh Yên Bái.

Tiến Khánh

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm