Vườn xoài của bà Trần Thị Lan, ấp Suối Son 2, xã Phú Vinh áp dụng mô hình tưới nước tự động, giúp tăng năng, chất lượng trái. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN |
Vượt lên mọi khó khăn, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Định Quán chung sức, chung lòng tập trung xây dựng nông thôn mới, từng ngày làm “thay da đổi thịt” bộ mặt nông thôn, từ một huyện nghèo, đến nay thu nhập bình quân người dân Định Quán đã đạt gần 50 triệu đồng/năm.
Tạo bước đột phá về giao thông
Dẫn chúng tôi đi trên con đường liên ấp rộng thênh thang, được trải nhựa phẳng lì, bà Thi Thị Ánh Hồng, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Vinh (huyện Định Quán) cho biết, hệ thống giao thông nông thôn trên địa bàn xã đã được trải nhựa và bê tông hóa 100%. Nếu như theo quy định của Trung ương, bề rộng mặt đường liên thôn liên ấp là 5m thì ở Phú Vinh được mở rộng lên 7m.
Theo bà Hồng, nhờ sự đồng thuận, đồng lòng của người dân địa phương nên hệ thống giao thông đến từng ngõ xóm đều được đầu tư xây dựng khang trang. “Người hiến đất, người góp công, góp tiền, nhân dân trong xã đều đồng lòng cùng với nhà nước xây dựng đường giao thông khang trang, sạch đẹp. Nhiều tuyến đường được người dân trồng hoa, cỏ hai bên, cảnh sắc nông thôn rạng rỡ, khang trang”, bà Hồng cho biết.
Bà Trần Thị Lan (54 tuổi, ấp Suối Son 2, xã Phú Vinh) chỉ cho chúng tôi xem vườn xoài trĩu quả và hệ thống tưới nước tự động. “Từ khi có con đường bê tông đi qua rẫy, người dân bán được xoài với giá cao hơn. Lý do là trước đây đường đất hẹp, sình lầy khiến thương lái không cho xe tải vào thu hoạch xoài được, nên họ ép giá giữ lắm. Từ ngày có đường, người dân đi lại thuận tiện và cũng nhờ đó mà giá bán nông sản cao hơn trước”. Để có con đường khang trang sạch đẹp đến tận rẫy, gia đình bà Lan đã hiến hơn 3.000m2 đất để làm đường. “Đường mở đến đâu, chúng tôi sẵn sàng hiến đất đến đó”, bà Lan nói.
Ông Trần Quang Tú, Chủ tịch UBND huyện Định Quán cho biết, trong thời gian qua, huyện đã chú trọng đầu tư xây dựng đường giao thông nông thôn, đường vào các vùng sản xuất, vùng chuyên canh, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển vật tư, nông sản.
Từ năm 2011 đến nay, hệ thống đường giao thông trên địa bàn toàn huyện đã được đầu tư xây mới và nâng cấp 717 tuyến với tổng chiều dài 681km, kinh phí thực hiện trên 1.152 tỷ đồng. Hiện 13/13 xã đã đạt chuẩn tiêu chí giao thông theo quy định của tỉnh Đồng Nai và Trung ương. Huyện Định Quán đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là huyện nông thôn mới.
Một tuyến đường liên ấp thuộc xã Gia Canh được thảm bê tông khang trang, sạch đẹp. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN |
Đồng thuận cao trong dân
Ông Trần Quang Tú cho biết, với phương châm lấy phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập làm gốc trong xây dựng nông thôn mới, bên cạnh những chính sách hiện có của Trung ương và tỉnh Đồng Nai về hỗ trợ nông nghiệp, nông dân, nông thôn thì huyện Định Quán cũng có những chính sách riêng để thu phục lòng dân. Đó là chuyển đổi cây trồng trên đất lúa, hỗ trợ giống ngô trồng vụ đông xuân, hỗ trợ giống lúa chất lượng cao cho hộ đồng bào dân tộc; đầu tư các công trình điện vào vùng sản xuất tập trung; hỗ trợ phát triển cây trồng chủ lực… Nhờ những chính sách cụ thể này, người dân địa phương đã đồng tình ủng hộ và chia sẻ cùng chính quyền địa phương.
Theo UBND huyện Định Quán, trong quá trình triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cấp ủy đảng và chính quyền đã lập ra kế hoạch với nội dung cụ thể như: Định kỳ hàng tháng ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cấp huyện tổ chức họp với các xã; hai tuần một lần Thường trực Huyện ủy giao ban với Thường trực UBND huyện và lãnh đạo các ngành; hàng quý Ban Thường vụ Huyện ủy thực hiện giao ban nông nghiệp, nông dân, nông thôn với Thường trực UBND huyện, Thường trực Đảng ủy các xã, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn. Ngoài ra, Thường trực Huyện ủy còn thành lập các đoàn kiểm tra nghị quyết định kỳ 3 tháng, 6 tháng, cả năm để kiểm tra kết quả thực hiện ở các xã. Công tác kiểm tra được thực hiện thường xuyên đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện các tiêu chí nông thôn mới.
Chủ tịch UBND huyện Định Quán Trần Quang Tú cho biết, với đặc thù là huyện miền núi, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống. Do đó, công tác vận động người dân được lãnh đạo huyện chú trọng và triển khai sâu rộng đến từng địa bàn ấp. Trong quá trình vận động, những người có uy tín, già làng, trưởng bản là những người có tiếng nói trong vùng đồng bào đều được tuyên truyền và thông qua những người này, đồng bào dân tộc đã tin và hưởng ứng nhiệt tình các phong trào hiến đất làm đường, góp công góp của xây dựng nông thôn mới.
Chính nhờ sự đồng thuận trong toàn dân, cùng với sự đa dạng hóa trong huy động nguồn vốn để thực hiện chương trình nông thôn mới, huyện Định Quán đã khơi dậy và huy động nguồn lực của toàn xã hội tham gia.
Theo báo cáo của UBND huyện Định Quán, qua hơn 7 năm thực hiện, chương trình xây dựng nông thôn mới đã huy động được gần 21.000 tỷ đồng. Trong đó, vốn nhà nước trên 3.148 tỷ đồng, chiếm 15%; còn lại là vốn huy động từ doanh nghiệp, vốn nhân dân đóng góp.
Xã Gia Canh, một xã miền núi của huyện Định Quán về đích nông thôn mới. Ảnh: Sỹ Tuyên - TTXVN |
Ông Trần Quang Tú cho rằng, xây dựng nông thôn mới chính là cuộc cách mạng sâu sắc và toàn diện, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, trong đó người dân đã nhận thức rõ trách nhiệm, quyền lợi và đã chủ động, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.
Nét nổi bật nhất trong quá trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương đó là thu nhập bình quân đầu người của huyện miền núi Định Quán đã đạt gần 50 triệu đồng, gấp 1,8 lần so với năm 2011; giá trị sản xuất bình quân/1 ha đất nông nghiệp năm 2018 đạt trên 145 triệu đồng, tăng 1,6 lần so với năm 2011. Đặc biệt, từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo chiếm 16,5% với 8.115 hộ (năm 2011), thì đến nay huyện Định Quán chỉ còn 146 hộ nghèo, chiếm 0,32%.
Cũng chính từ chương trình xây dựng nông thôn mới, tình cảm trong cộng đồng dân cư được gắn bó sâu sắc, góp phần tích cực giữ vững ổn định kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng trên địa bàn.
Sỹ Tuyên