![]() Cầu nổi bị cuốn trôi, người dân lại phải qua sông bằng bè tre. |
Ông Vi Văn Quân, Trưởng thôn Xuân Lũng cho biết: Có cây cầu nổi, trẻ con đi học, người lớn đi làm, đi chợ không phải mang theo mái chèo như trước nữa.
Mặc dù đi bằng cầu nổi không an toàn, nhưng so với chèo bè mảng trước đây thì việc đi lại của người dân đã thuận tiện hơn nhiều. Xuân Lũng là thôn đặc biệt khó khăn với 90% người dân là đồng bào dân tộc Nùng; 67 hộ dân với 207 nhân khẩu trong thôn sống dựa vào 68 ha trồng lúa. Đến nay, thôn vẫn còn 21 hộ nghèo. Theo một số người dân, nhà nào trong thôn có điều kiện sắm được chiếc xe máy cũng phải gửi nhờ họ hàng bên kia sông.
![]() Hàng ngày học sinh thôn Xuân Lũng đều phải vượt sông bằng bè, mảng để đi học. |
Bà Vi Thị Hiệu (60 tuổi) chia sẻ, bà về thôn Xuân Lũng làm dâu đến nay đã hơn 40 năm. Gia đình bà trồng được ngô, nuôi được con lợn muốn đem bán cũng phải qua sông mới đến chợ. Do không có đường vào thôn, các thương lái đến mua lợn thường hay ép giá khiến người chăn nuôi rất thiệt thòi.
Theo người dân thôn Xuân Lũng, chiếc cầu nổi bằng tre chỉ là giải pháp tạm thời, cứ khoảng 1 - 2 tháng người dân phải làm lại cầu một lần do nước sông lên cao, chảy xiết cuốn trôi mất cầu. Mới đây vào các ngày 23 - 25/5, mưa to và kéo dài đã cuốn trôi chiếc cầu nổi. Để làm được một cây cầu nổi vào thôn, các hộ dân trong thôn mỗi hộ đóng góp 5 cây tre, 20.000 đồng mua dây thép và một ngày công.
Ông Vi Văn Biên, Phó Chủ tịch HĐND xã Xuân Lũng cho biết: Việc nhân dân trong thôn tự làm cầu nổi diễn ra từ đầu năm nay, tuy biết là không đảm bảo an toàn, nhưng do chưa có kinh phí xây cầu, nên xã chỉ nhắc nhở người dân các biện pháp phòng tránh tai nạn. Xã đã nhiều lần kiến nghị với cấp trên để xây cầu, nhưng đến nay vẫn chưa có hồi đáp. 70 hộ dân thôn Xuân Lũng đang mong mỏi có một cây cầu qua sông đảm bảo an toàn, nhất là khi mùa mưa lũ đang đến gần.