Xây dựng vùng chuyên canh cây trồng theo đặc thù địa phương

Theo ông Đoàn Ngọc Có, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, ngành nông nghiệp Gia Lai đang tập trung xây dựng các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực phù hợp với thực tế từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó, người dân, các hợp tác xã và doanh nghiệp trên địa bàn cũng đã chủ động đầu tư phát triển cây trồng theo hướng thâm canh tập trung, đạt các tiêu chuẩn VietGAP, 4C, UTZ, Organic.

vna_potal_nguoi_jrai_o_gia_lai_nang_gia_tri_cay_sau_rieng_7426880.jpg
Thu hoạch sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Ia Mơ Nông (Chư Păh, Gia Lai). Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

"Hiện Gia Lai hiện có khoảng hơn 100.000 ha cà phê, gần 87.000 ha cao su, 79.000 ha sắn, 76.000 ha lúa, 35.000 ha cây ăn quả, hơn 40.000 ha mía. Thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các địa phương, vận động người dân đầu tư triển khai cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp nhằm giảm chi phí, tăng lợi nhuận; trong đó, ưu tiên sơ chế, chế biến nông sản chủ lực của tỉnh phục vụ xuất khẩu, đáp ứng thị trường các nước nhập khẩu", ông Có cho biết thêm.

UBND tỉnh Gia Lai đã ban hành Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển trồng trọt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, các địa phương khu vực phía Tây và khu vực trung tâm tỉnh Gia Lai tập trung phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày: cà phê, cao su, hồ tiêu; khu vực phía Đông và Đông Nam chú trọng phát triển cây trồng ngắn ngày: lúa nước, mía, sắn, bắp và cây ăn quả.

vna_potal_xuat_khau_nong_san_cua_gia_lai_vuot_kho_tang_cao_7185346.jpg
Hơn 58.000 ha cây trồng các loại tại Gia Lai đã được cấp chứng nhận truy xuất nguồn gốc. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Để hiện thực hóa kế hoạch, tỉnh Gia Lai đang thực hiện tổ chức lại sản xuất theo vùng chuyên canh, gắn với chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc. Mục tiêu đến năm 2030, trên 50% diện tích cây trồng được cấp mã số vùng trồng; hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần và xúc tiến thương mại.

Ông Nguyễn Công Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chư Păh cho hay, sau khi đánh giá hiệu quả của các loại cây cho thấy: cà phê, cao su và sầu riêng rất phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn. Do đó huyện có kế hoạch phát triển các loại cây trồng chủ lục này. Khi hình thành vùng chuyên canh trên địa bàn, những cây trồng chủ lực này đã mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

vna_potal_nguoi_jrai_o_gia_lai_nang_gia_tri_cay_sau_rieng_7426893.jpg
Mô hình hợp tác trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGAP ở xã Ia Mơ Nông, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai. Ảnh: Hoài Nam - TTXVN

Tại huyện Chư Pưh, nhận thức được tính hiệu quả của việc hình thành vùng chuyên canh cây trồng chủ lực, từ năm 2019, địa phương đã phối hợp với Viện Thổ nhưỡng nông hóa (Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam) triển khai Dự án điều tra, đánh giá chất lượng đất nông nghiệp và xây dựng cơ sở dữ liệu, bản đồ thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng trên địa bàn huyện.

Nhờ xây dựng bản đồ thổ nhưỡng cho từng vùng, đến nay nhiều hộ dân trên địa bàn đã liên kết với các doanh nghiệp, Hợp tác xã trong và ngoài tỉnh hình thành các vùng chuyên canh tập trung, chất lượng cao như sầu riêng, mít Thái, bơ, nhãn Hương Chi, cà phê, hồ tiêu. Việc liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm đã từng bước mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người dân.

vna_potal_nong_dan_gia_lai_phan_khoi_vi_vu_san_duoc_mua_7214652.jpg
Các giống sắn kháng bệnh HN5, HN3 và HN1 tại huyện Krông Pa (Gia Lai) cho năng suất cao, khoảng 40 tấn/ha. Ảnh: Hồng Điệp - TTXVN

Huyện Krông Pa có diện tích sắn lớn nhất tỉnh Gia Lai với trên 22.000 ha. Dựa trên đề án của tỉnh, huyện Krông Pa sẽ xây dựng kế hoạch vùng chuyên canh cây sắn cho từng địa phương trên địa bàn huyện. Việc xây dựng vùng chuyên canh sẽ là tiền đề phát triển ổn định vùng sản xuất phục vụ cho các nhà máy chế biến tinh bột sắn, phục vụ chăn nuôi và các nhu cầu khác. Huyện cũng khuyến khích phát triển cây sắn tập trung ở những nơi có thể áp dụng được các tiến bộ khoa học kỹ thuật và cơ giới hóa trong sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Việc định hình các vùng chuyên canh cây trồng chủ lực trên địa bàn tỉnh Gia Lai là tiền đề để phát triển sản xuất tập trung theo hướng hàng hóa, hình thành vùng nguyên liệu rộng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu chế biến, tiêu thụ của các doanh nghiệp.

Hồng Điệp

Có thể bạn quan tâm