Chiều 10/4, Đoàn kiểm tra Ban Chỉ đạo Trung ương phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa làm việc với Ban Chỉ đạo phong trào của tỉnh Hậu Giang về tình hình, kết quả thực hiện phong trào trên địa bàn tỉnh.
Ông Trương Văn Đạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Trưởng đoàn kiểm tra, đánh giá, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, sự chủ động của các ban, ngành, đoàn thể, sự đồng thuận cao của nhân dân, ngày càng lan tỏa và phát triển rộng khắp. Việc tuyên truyền lồng ghép các nội dung phong trào với các nội dung xây dựng nông thôn mới đã góp phần nâng cao chất lượng đời sống vật chất, văn hóa tinh thần của nhân dân trên địa bàn.
Tuy nhiên, công tác triển khai phối hợp giữa các cấp, ngành còn hạn chế nên ảnh hưởng hiệu quả phong trào; kinh phí được giao chưa đáp ứng nhu cầu thực tế; công tác thanh, kiểm tra chưa quyết liệt, kịp thời; hiệu quả công tác xã hội hóa ở một số hoạt động văn hóa còn thấp...
Ghi nhận các kiến nghị, đề xuất của tỉnh, Trưởng đoàn kiểm tra đề nghị, thời gian tới, Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh Hậu Giang tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng các danh hiệu văn hóa; tiếp tục chỉ đạo hình thành các mô hình thiết chế hoạt động văn hóa, thể thao ở cấp xã và thiết chế văn hóa thể thao thôn, tổ dân phố thống nhất, đồng bộ. Bên cạnh đó, gắn việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích lịch sử với giáo dục truyền thống để định hướng cho người dân hoạt động văn hóa tín ngưỡng lành mạnh, bài trừ mê tín, dị đoan.
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết, với sự tuyên truyền, nâng cao nhận thức trong nội bộ, sự lan tỏa của phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đã góp phần thực hiện thành công các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Tỉnh xác định gắn kết phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với các phong trào, chương trình khác; các đoàn thể đưa nhiệm vụ của phong trào vào việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của mình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề xuất, các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn để địa phương quản lý chặt chẽ, có chế tài đối với việc sử dụng hệ thống loa di động có công suất lớn trong khu đông dân cư; ban hành hướng dẫn để phát huy hết công năng của nhà văn hóa, khu thể thao ấp, khu vực...
Năm 2023, toàn tỉnh Hậu Giang có 521/525 ấp, khu vực đạt danh hiệu ấp, khu vực văn hóa; trên 186.370 hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, trên 12.370 hộ đạt danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu; trên 58.820 người đạt danh hiệu Người tốt, việc tốt, trong đó có 5.234 người đạt danh hiệu Người tốt, việc tốt tiêu biểu; 100% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn đăng ký thực hiện xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp có đời sống văn hóa tốt. Tỉnh xây dựng nhiều mô hình đoàn kết tham gia phát triển kinh tế, tích cực giúp nhau giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống, khuyến khích làm giàu chính đáng, mô hình bảo vệ môi trường như: mô hình “Phát triển kinh tế hộ gia đình”; “Tôn giáo đồng hành giảm nghèo bền vững cho người nghèo”; “Xóa nghèo bền vững trong đồng bào Khmer”...
Tiếp thu ý kiến của Đoàn kiểm tra, bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh cho biết, ngành Văn hóa sẽ vận dụng các ý kiến vào quá trình thực hiện nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, nâng cao chất lượng phong trào. Năm 2024, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa với tiêu chuẩn ngày càng hoàn thiện, phong phú về mô hình, rộng rãi về đối tượng và chặt chẽ về quy trình để không ngừng nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào.
Hồng Thái