Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên

Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên

Ngày 1/6, tại xã Phúc Hòa, UBND huyện Tân Yên, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bắc Giang, Công ty Vinaintech phối hợp tổ chức hội thảo đánh giá chất lượng cảm quan đối với sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên (Bắc Giang), Phù Cừ (Hưng Yên) và Đông Triều (Quảng Ninh).

Xây dựng và bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên ảnh 1 Một điểm cân vải chín sớm tại xã Phúc Hoà huyện Tân Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam-TTXVN

Đây là một trong những nội dung nằm trong dự án “Đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên của tỉnh Bắc Giang” do Tiến sỹ Vương Thị Thanh Trì, Giám đốc Công ty Vinaintech làm Chủ nhiệm.

Tại hội thảo, dưới sự hướng dẫn của Tiến sỹ Vũ Thanh Hải, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, đại diện một số doanh nghiệp, Hợp tác xã, người dân trồng, sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ vải thiều chín sớm Tân Yên... đã trực tiếp quan sát, nếm thử, cân trọng lượng 3 sản phẩm gồm vải thiều chín sớm Tân Yên, vải lai chín sớm Phù Cừ (Hưng Yên) và vải thiều chín sớm Đông Triều (Quảng Ninh). Tiến sỹ Vũ Thanh Hải chỉ ra những yếu tố tạo nên danh tiếng và sự khác biệt của sản phẩm vải chín sớm Tân Yên như hình dáng, màu sắc, trọng lượng, hương vị; kỹ thuật nhân giống và duy trì giống; kỹ thuật chăm sóc, chất đất, thời tiết.

Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Bắc Giang Nguyễn Phúc Thương cho biết, vải thiều chín sớm Tân Yên nhiều năm qua đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Tuy nhiên, sản phẩm này chưa được cấp chỉ dẫn địa lý. Hội thảo là một trong những nội dung, cơ sở để cơ quan chức năng tiến hành các bước tiếp theo nhằm xây dựng và bảo hộ thành công nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đối với sản phẩm vải thiều chín sớm Tân Yên.

Tiến sỹ Vương Thị Thanh Trì, Giám đốc Công ty Vinaintech, chỉ dẫn địa lý là công cụ rất hữu hiệu để tăng được lợi thế của nông sản Việt Nam trên thị trường quốc tế, là dấu hiệu phân biệt nguồn gốc của sản phẩm từ một khu vực, địa phương cụ thể. Kết quả của hội thảo là những dẫn chứng quan trọng, là cơ sở để hoàn thiện các nội dung trình cơ quan chức năng công nhận vải thiều chín sớm Tân Yên đạt tiêu chuẩn. Từ đó hoàn thiện hồ sơ đăng ký chỉ dẫn địa lý cho vải thiều chín sớm Tân Yên.

Năm 2022, tổng diện tích sản xuất vải của huyện Tân Yên là 1.340 ha (sản lượng đạt khoảng 16.500 tấn), trong đó vải sớm là 1.170 ha (sản lượng đạt 14.500 tấn), vải muộn là 2.000 tấn. Diện tích vải sản xuất đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trên 880 ha, trong đó diện tích vải đạt tiêu chuẩn sản xuất VietGAP, GlobalGAP là 350 ha. Dự kiến thời gian bắt đầu thu hoạch trà vải sớm từ ngày 25/5, thời gian thu hoạch tập trung từ 1/6 đến ngày 10/6/2022.

Danh Lam

(TTXVN)

Có thể bạn quan tâm