Cán bộ kỹ thuật kiểm tra chất lượng lúa Ra dư trồng trên ruộng nước. Ảnh:baothuathienhue.vn |
Hiện tại, A Lưới đang nỗ lực phục hồi giống lúa Ra dư truyền thống. Đặc điểm của giống lúa Ra dư là trồng được trên nương rẫy, có thời gian sinh trưởng khoảng 180 ngày, cho năng suất cao hơn so với các giống lúa khác. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, giống lúa Ra dư là giống lúa địa phương, tuy thời gian sinh trưởng dài ngày nhưng phẩm chất gạo rất ngon, năng suất đạt từ 26 đến 31tạ/ha. Đặc biệt, giống lúa Ra dư không những đạt phẩm chất gạo cao mà gạo còn có độ thơm, dẻo như giống lúa nếp và không bị khô cứng khi cơm nguội, nếu tính giá thành khoảng 15.000 đồng/kg thóc thì 1ha gieo trồng loại giống này cho giá trị trên 40 triệu đồng. Gạo Ra dư hạt to, dẻo, có hai màu đỏ và trắng, mùi thơm đặc trưng không lẫn với bất cứ loại gạo nào. Ra dư thường được bà con để dành dùng cho Tết cổ truyền Acha Aza (tết ăn cơm mới) và lễ Aza đánh dấu thời điểm kết thúc một năm làm việc cũ và mở ra một năm làm việc mới. Giống lúa Ra dư còn gắn với truyền thuyết của người Pa Cô là gieo trồng chủ yếu để lấy gạo cúng Giàng (Trời), cúng thần Lúa trong các dịp lễ cơm mới hoặc tiếp khách quý; mà còn là một trong những giống lúa có phẩm chất đứng hàng đầu trong các giống lúa địa phương hiện nay... Đối với huyện miền núi A Lưới, mô hình trồng chuối già lùn hiện đang phát triển mạnh, trở thành đặc sản của người dân vùng cao. Hiện, huyện A Lưới có khoảng 387ha chuối; trong đó diện tích chuối già lùn khoảng 116,4ha. Cây chuối già lùn thường được trồng ở độ cao trên 100m so với mực nước biển, với năng suất đạt bình quân khoảng 2,8 tấn/ha, mỗi ha chuối cho thu nhập trên 100 triệu đồng. Huyện A Lưới đang tiếp tục phát triển trồng chuối theo hướng hàng hóa, tập trung theo vùng trọng điểm như xã Hồng Thủy, Hồng Vân, Hồng Bắc, Nhâm; đồng thời, xây dựng thương hiệu và hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho người trồng chuối. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới, hiện nay một số địa phương trong huyện đang được hỗ trợ triển khai trồng chuối theo phương pháp cấy mô để đảm bảo nguồn giống tại chỗ, hạn chế sâu bệnh, từ đó tạo ra những vườn chuối chất lượng, năng suất cao, hướng đến thương hiệu chuối A Lưới. Là nghề truyền thống thu hút hàng ngàn lao động tham gia, dệt zèng trở thành sản phẩm may mặc đặc trưng của vùng đất A Lưới. Dù chất lượng rất tốt, song các sản phẩm thiết kế từ vải zèng như váy, áo quần, túi xách, khăn… tiêu thụ chậm, chủ yếu là phục vụ người dân địa phương, số ít cung cấp cho các cửa hàng lưu niệm nên thu nhập của người lao động chưa tới 2 triệu đồng/người/tháng.
Nghề dệt zèng truyền thống ở A Lưới được bảo tồn lâu dài. Ảnh: Quốc Việt - TTXVN |
Đại diện một số đơn vị dệt zèng tại A Lưới cho rằng, nếu đầu ra ổn định, sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh, nghề dệt zèng sẽ là nghề chính và thu hút nhiều chị em tham gia, góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện đời sống cho người dân nơi đây. Hay như mật ong rừng, gạo Ra dư và nấm sò xám là những đặc sản mà các địa phương khác trong tỉnh Thừa Thiên - Huế không có nên được người tiêu dùng ưa chuộng. Song, với số lượng ít do sản xuất theo mùa vụ hoặc phụ thuộc vào người cung cấp nên lâu nay, các sản phẩm này cũng chỉ tiêu thụ trên địa bàn huyện và cung ứng cho một số tư thương, giá cả không ổn định, nguồn cung bấp bênh. Mặt khác, do sản xuất quy mô hộ gia đình, thiếu vốn nên đa số các sản phẩm chưa đăng ký nhãn hiệu, không có bao bì đóng gói đạt chuẩn và công tác quảng bá chưa được quan tâm. Vừa qua, thông qua chính quyền địa phương, sau khi tham khảo quy trình chăn nuôi, giết mổ và thưởng thức đặc sản thịt bò A Lưới, mật ong rừng, gạo Ra dư... nhiều cơ sở kinh doanh nông sản sạch và siêu thị ở thành phố Huế có nhu cầu nhập hàng về phân phối. Tuy nhiên, qua trao đổi thì các sản phẩm ở đây số lượng không đảm bảo và chưa đăng ký nhãn hiệu. Lãnh đạo Siêu thị Big C Huế cho biết, có hai sản phẩm mà doanh nghiệp cần kết nối để đưa vào kinh doanh, đó là thịt bò và gạo Ra dư. Vấn đề cần giải quyết là phương thức giao hàng, cách bảo quản và số lượng có đảm bảo theo đơn đặt hàng không. Giám đốc Công ty Hữu cơ Huế Việt, bà Nguyễn Thị Huệ cũng cho rằng, nếu các sản phẩm như gạo Ra dư, thịt bò, mật ong rừng hay nấm sò xám được công bố chất lượng, doanh nghiệp sẵn sàng ký kết hợp đồng tiêu thụ và phân phối cho chuỗi cửa hàng nông sản sạch ở các tỉnh miền Trung. Ông Nguyễn Thanh, Giám đốc Sở Công Thương Thừa Thiên - Huế cho biết, A Lưới là huyện miền núi có nhiều nông sản, đặc sản và hàng thủ công mỹ nghệ mà các địa phương trong tỉnh không có, tuy nhiên mức tiêu thụ, kết nối với thị trường còn hạn chế. Để sản phẩm A Lưới tiêu thụ mạnh, đứng chân tại các siêu thị hay cửa hàng nông sản sạch, vấn đề còn lại phụ thuộc vào cơ sở sản xuất và chính người dân. Những rào cản như đăng ký nhãn hiệu, sản phẩm có bao bì đóng gói hay nguồn cung ổn định cần được khắc phục. Để giải quyết vấn đề xây dựng thương hiệu và kết nối cung cầu, Phó Chủ tịch UBND huyện A Lưới Nguyễn Quốc Cường cho biết, thời gian tới, huyện sẽ giám sát quy trình sản xuất, hỗ trợ các cơ sở đăng ký nhãn hiệu và vận động người dân đầu tư bao bì đóng gói để cung ứng ra thị trường. Riêng đối với sản phẩm thịt bò A Lưới, sắp tới huyện sẽ tạo điều kiện cho một cơ sở đứng ra làm đầu mối thu gom và giết mổ, sau đó đưa vào trữ đông và vận chuyển về thành phố Huế tiêu thụ...
Quốc Việt
TTXVN