Xây dựng Làng Văn hóa, du lịch Khmer tại Trà Vinh

Xây dựng Làng Văn hóa, du lịch Khmer tại Trà Vinh
Dự án Làng Văn hóa, du lịch Khmer xây dựng tại Phường 8, thành phố Trà Vinh và xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, được quy hoạch tổng thể thành 7 phân khu chính, gồm: ao Bà Om; chùa Âng; Bảo tàng Văn hóa dân tộc Khmer; Trường Trung cấp Pali-Khmer Trà Vinh; Làng Văn hóa Khmer, chùa Lò Gạch, di tích Óc Eo; bãi đỗ xe; chợ đêm.

Chùa Âng nằm trong khu quần thể thắng cảnh Ao Bà Om, là ngôi chùa Khmer cổ nhất trong số 141 ngôi chùa Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN
Chùa Âng nằm trong khu quần thể thắng cảnh Ao Bà Om, là ngôi chùa Khmer cổ nhất trong số 141 ngôi chùa Khmer ở tỉnh Trà Vinh. Ảnh: An Hiếu - TTXVN

Ông Dương Hoàng Sum, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết, Trà Vinh có hơn 300.000 người dân tộc Khmer, chiếm gần 32% dân số toàn tỉnh. Địa phương có 142 ngôi chùa Phật giáo Nam tông Khmer với kiến trúc độc đáo mang đậm bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc Khmer. Các lễ hội truyền thống của đồng bào Khmer như Lễ hội Ok Om Bok, Sene Đolta, Tết cổ truyền Chol Chnam Thmay; trong đó, Lễ hội Ok Om Bok được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia. Đây là điều kiện để tỉnh Trà Vinh phát triển loại hình du lịch văn hóa và tâm linh.

Vào dịp Lễ hội Ok Om Bok năm nay (ngày chính 22/11), ngày 16/11, Trà Vinh sẽ ra mắt con đường Bích họa, là hạng mục đầu tiên của Dự án Làng Văn hóa du lịch Khmer để phục vụ du khách. Con đường bích họa do 5 họa sĩ, nghệ nhân Khmer vẽ trên những bức tường nhà dân địa phương tại ấp Ba Se A, xã Lương Hòa, huyện Châu Thành, gồm 28 bức tranh tái hiện hình ảnh văn hóa, sinh hoạt cuộc sống đời thường, hoạt động tín ngưỡng của đồng bào Khmer…

Ông Dương Hoàng Sum cho biết thêm, năm 2017, ngành Du lịch Trà Vinh phục vụ trên 652.000 lượt khách, tăng hơn 23% so với năm 2016; trong đó khách quốc tế ước đạt 15.780 lượt. Tổng doanh thu năm 2017 đạt hơn 210 tỷ đồng, tăng hơn 53 tỷ đồng so với năm 2016. Trà Vinh có những lợi thế, tiềm năng phát triển du lịch theo hướng tâm linh kết hợp với văn hóa Khmer để tạo ra sản phẩm du lịch đặc trưng và đột phá, góp phần đa dạng hóa các sản phẩm du lịch của vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Tỉnh đặt mục tiêu  đến năm 2025, du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và đến năm 2030, du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
Thanh Hòa
TTXVN

Có thể bạn quan tâm