Ngày 17/10, tại Hà Nội, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Kinh nghiệm quốc tế và quốc gia xây dựng chương trình giáo dục Mầm non” nhằm tạo diễn đàn trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm quốc gia và quốc tế về xây dựng Chương trình giáo dục Mầm non mới ở Việt Nam.
Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Chương trình giáo dục Mầm non được ban hành năm 2009 và đang được triển khai đồng bộ trên cả nước. Hơn 10 năm qua, quá trình triển khai chương trình đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, tạo tiền đề cho các bậc học tiếp theo, trong đó có giáo dục phổ thông, đạt được những kết quả tốt. Trong bảng xếp hạng các quốc gia về lĩnh vực giáo dục năm 2021, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020.
Tuy nhiên, trước yêu cầu cao hơn, xa hơn của quá trình đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, chương trình giáo dục Mầm non đã tốt nhưng là chưa đủ, cần phải làm tốt hơn nữa. Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam rất nhấn mạnh phương diện phát triển con người một cách toàn diện.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chia sẻ: Giai đoạn giáo dục Mầm non có thể nói là quan trọng bậc nhất, thậm chí mang tính quyết định để hình thành nhân cách, thể chất. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thức được tầm quan trọng, cũng như thách thức trong xây dựng Chương trình giáo dục Mầm non mới.
Chương trình giáo dục Mầm non phải vừa tiếp cận được kinh nghiệm thế giới, khoa học với bậc học Mầm non; vừa phù hợp với điều kiện thực tiễn văn hóa, phong tục, tập quán của người Việt Nam. Chương trình cũng phải đạt được các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo mang tính chiến lược của Việt Nam về phát triển con người.
Trao đổi tại Hội thảo, quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Christophe Lemiere đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong phát triển chỉ số vốn con người, giảm bớt sự mất công bằng, qua đó tăng khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Đối với bậc học Mầm non, quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam chia sẻ: Theo nghiên cứu của chúng tôi, những quốc gia có sự đầu tư vào giáo dục mầm non, khi trưởng thành người dân có thu nhập cao hơn 30% so với thông thường. Đầu tư mầm non cũng giúp các bà mẹ dành thời gian nhiều hơn cho công việc, từ đó tăng nguồn thu nhập cho gia đình.
Ghi nhận những ưu tiên đầu tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cho bậc học Mầm non thời gian qua, trong đó có việc xây dựng chương trình giáo dục Mầm non, quyền Giám đốc điều hành Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng đánh giá cao những giải pháp của Việt Nam dành cho trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thiệt thòi; đồng thời, khẳng định cam kết của Ngân hàng Thế giới sẽ tiếp tục hỗ trợ các hoạt động phát triển con người, trong đó có giáo dục Mầm non tại Việt Nam.
Báo cáo kết quả hơn 10 năm thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non và định hướng xây dựng Chương trình giáo dục Mầm non mới, ông Nguyễn Bá Minh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Mầm non (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: Chương trình giáo dục Mầm non hiện hành được Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ký quyết định ban hành kèm theo Thông tư số 17/2009/TT-BGDĐT ngày 25/7/2009. Sau hơn 10 năm tổ chức thực hiện, đến nay, Chương trình đã được thực hiện ở 15.461 cơ sở (đạt 100%), trong đó có hơn 5,2 triệu trẻ (99%) học 2 buổi/ngày. Chương trình hướng đến sự phát triển toàn diện, tích hợp, lấy trẻ làm trung tâm, phương châm giáo dục “học bằng chơi, bằng trải nghiệm”, tạo điều kiện đảm bảo cho trẻ phát triển liên tục, đáp ứng sự đa dạng của các vùng miền, các đối tượng trẻ.
Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục Mầm non vẫn còn một số hạn chế, đặc biệt là chất lượng đội ngũ và công tác bồi dưỡng, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ của đội ngũ; chế độ chính sách, văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc thực hiện chương trình; số trẻ/lớp; không gian, diện tích lớp và đồ dùng, đồ chơi, học liệu cho trẻ.
Lương giáo viên Mầm non còn thấp, chưa tương xứng với công việc; chưa bố trí đủ giáo viên, nhân viên theo định mức nên rất khó khăn trong thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non. Cùng với đó, còn thiếu nhân viên y tế, dinh dưỡng chuyên trách, không phải là hợp đồng vụ việc để đảm bảo chất lượng việc chăm sóc giáo dục trẻ trong trường theo quy định; còn khoảng cách vùng miền trong tiếp cận chương trình giáo dục và các điều kiện thực hiện chương trình…
Về quan điểm và định hướng xây dựng Chương trình mới, cần kế thừa, phát triển trên quan điểm chương trình hiện hành để dễ thực hiện và tiếp tục phát triển. Đặc biệt, chương trình cần tiếp cận với các phương pháp giáo dục tiên tiến, hội nhập với giáo dục quốc tế; chú ý nhiều hơn đến các vấn đề giáo dục trẻ trở thành công dân toàn cầu.
Nội dung chương trình cần thể hiện rõ nét hơn tính liên thông với Chương trình giáo dục Phổ thông, trong đó, cần xem xét lại khả năng tiền học đọc và tiền học viết cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi để liên thông với tiếng Việt Tiểu học.
Chương trình cũng cần cho trẻ làm quen với ngoại ngữ và đưa thêm phần ứng dụng công nghệ; giáo dục quyền con người, giáo dục hòa nhập, giáo dục giới tính. Bên cạnh đó, cần xem xét chế độ sinh hoạt cho trẻ đảm bảo chế độ làm việc của giáo viên theo Luật lao động. Chế độ sinh hoạt cần có tính mở để địa phương có thể linh hoạt theo tình hình thực tế vùng miền.
Ông Nguyễn Bá Minh cũng kiến nghị, cần bảo đảm sự đầu tư của Nhà nước và sự tham gia hỗ trợ của gia đình, cộng đồng, xã hội để nâng cao chất lượng giáo dục Mầm non trên cơ sở thống nhất toàn quốc về các mục tiêu, kết quả mong đợi của trẻ em cuối độ tuổi nhà trẻ và mẫu giáo, yêu cầu bắt buộc về điều kiện thực hiện Chương trình giáo dục Mầm non.
Việt Hà