Trên vùng đất Cao nguyên đá Hà Giang khắc nghiệt, việc chăn nuôi không hề dễ dàng. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, sáng tạo và mô hình liên kết bền vững, Hợp tác xã Cát Lý đã và đang phát triển mạnh mô hình nuôi bò vàng Hà Giang, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương.

Khởi nghiệp trên mảnh đất quê
Trên con đường dẫn vào khu trang trại bò nằm sâu trong núi, anh Thượng Thái Cát, (sinh năm 1981, thôn Mịch B, xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, Hà Giang) vui vẻ chia sẻ quá trình hình thành và phát triển của hợp tác xã Cát Lý. Anh Cát cho biết, sau nhiều năm bôn ba làm ăn xa từ Bắc vào Nam, cũng đã tích góp được một số vốn nhưng nghĩ đến vùng đất quê hương còn nhiều điều kiện để lập nghiệp và phát triển kinh tế nên anh Cát đã quyết định trở về quê. Tháng 2/2022, anh Cát cùng 6 thành viên sáng lập hợp tác xã Cát Lý với ngành nghề chính là chăn nuôi bò thịt, giết mổ, sơ chế các sản phẩm từ bò.
Những ngày thành lập hợp tác xã Cát Lý, do điều kiện giao thông khó khăn, người dân còn chưa chú trọng phát triển kinh tế. Đặc biệt, việc tìm giống bò vàng Hà Giang thuần chủng gặp nhiều trắc trở. Để tìm được những con bò thuần chủng, hợp tác xã đã phải mua sắm các thiết bị khoa học hiện đại để kiểm nghiệm, sàng lọc gen và tìm những con giống đạt chất lượng, có hàm lượng mỡ dắt đạt tiêu chuẩn để phát triển và nhân giống.

Anh Thượng Thái Cát chia sẻ, bò vàng Hà Giang là giống bò bản địa, có sức chống chịu tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt và phù hợp với thổ nhưỡng nơi đây. Nhưng trước đây, việc chăn nuôi bò chủ yếu nhỏ lẻ, hiệu quả kinh tế thấp. Tôi muốn xây dựng một mô hình liên kết để người dân có thể phát triển kinh tế bền vững hơn.
Hiện tại, Hợp tác xã Cát Lý sở hữu một trang trại chăn nuôi bò vỗ béo với quy mô 200 con cùng một cơ sở giết mổ và sơ chế các sản phẩm từ thịt bò. Nguồn bò giống được hợp tác xã nhập từ các huyện vùng cao như Đồng Văn, Mèo Vạc - nơi có đàn bò vàng thuần chủng, chất lượng tốt.
Liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị, hướng đi bền vững
Không dừng lại ở mô hình nuôi tập trung, Hợp tác xã Cát Lý đã triển khai phương án liên kết chăn nuôi theo chuỗi giá trị với người dân địa phương. Theo đó, hợp tác xã đầu tư bò giống cho các hộ dân có đủ điều kiện về nhân lực, diện tích cỏ và chuồng trại. Đàn bò được kiểm tra sức khỏe, tiêm vắc-xin, tẩy ký sinh trùng định kỳ qua hệ thống cán bộ nông nghiệp xã.
Khi bò đạt đủ tiêu chuẩn xuất chuồng, hợp tác xã sẽ mua lại, đảm bảo người dân hưởng trọn lợi nhuận từ số cân nặng tăng thêm với giá bằng hoặc cao hơn thị trường. Đặc biệt, nếu bò sinh sản, Hợp tác xã tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc, đến khi trưởng thành sẽ thu mua và người dân được hưởng toàn bộ giá trị con bò đó.

Chị Đinh Thu Hoài, nhân viên kỹ thuật Hợp tác xã Cát Lý cho biết, trước đây, người dân chủ yếu nuôi bò tự phát, thiếu kỹ thuật, nên bò chậm lớn, giá bán bấp bênh. Từ khi tham gia chuỗi liên kết của hợp tác xã, bà con được hỗ trợ về giống, kỹ thuật chăn nuôi, đầu ra cũng ổn định hơn.
Nhờ mô hình này, đến nay đã có 807 hộ tham gia, với tổng đàn bò lên tới hơn 2.700 con, tập trung ở các huyện Vị Xuyên, Bắc Mê và Yên Minh.
Bên cạnh lợi ích trực tiếp cho các hộ dân tham gia chăn nuôi, Hợp tác xã Cát Lý còn tạo việc làm ổn định cho hơn 20 lao động địa phương với mức lương từ 5 đến 16 triệu đồng/tháng.
Ông Phạm Văn Tuân, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận Hòa cho biết, mô hình liên kết chăn nuôi bò của Hợp tác xã Cát Lý không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn góp phần bảo tồn và phát triển giống bò vàng Hà Giang. Chính quyền xã sẽ tiếp tục tạo điều kiện hỗ trợ hợp tác xã mở rộng quy mô, đặc biệt trong việc tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, đất đai để phát triển trang trại, cũng như quảng bá sản phẩm đến thị trường rộng lớn hơn.
Ứng dụng công nghệ vào quản lý đàn bò
Sau nhiều năm phát triển, khi số lượng bò tăng lên, bài toán quản lý đàn bò cũng trở thành thách thức lớn. Việc ghi chép thủ công không còn phù hợp, đặc biệt trong việc truy xuất nguồn gốc. Nhận thấy điều này, Hợp tác xã Cát Lý đã ứng dụng phần mềm tin học vào quản lý đàn bò.
Mỗi con bò được gắn số và mã QR để theo dõi thông tin từ lúc nhập về đến khi xuất chuồng. Khách hàng chỉ cần quét mã QR trên sản phẩm thịt bò là có thể biết đầy đủ các thông tin như nguồn gốc, ngày sinh, giống bò, trọng lượng, lịch sử tiêm phòng, sử dụng thuốc.
"Nhờ ứng dụng công nghệ, việc quản lý đàn bò dễ dàng hơn rất nhiều. Khách hàng cũng yên tâm hơn khi có thể truy xuất rõ ràng nguồn gốc sản phẩm," anh Cát chia sẻ.

Về đầu ra sản phẩm, hợp tác xã hiện đang cung cấp thịt bò cho nhiều chuỗi cửa hàng, siêu thị tiện ích tại Hà Nội, Hải Phòng, Thành phố Hồ Chí Minh và phục vụ khách du lịch tại Hà Giang. Mỗi năm, hợp tác xã xuất bán khoảng 54.700 kg thịt, với ba dòng sản phẩm có giá dao động từ 250.000 - 1,2 triệu đồng/kg. Ngoài thịt tươi, hợp tác xã còn chế biến thịt bò khô phục vụ du khách.
Trong tương lai, hợp tác xã Cát Lý đặt mục tiêu mở rộng quy mô đàn bò lên 5.000 con, mở thêm các cơ sở chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, hợp tác xã cũng kỳ vọng có thêm nhiều hộ dân tham gia mô hình, tạo nền tảng phát triển chăn nuôi bò bền vững trên địa bàn Hà Giang.

Với sự sáng tạo, quyết tâm và sự đồng hành của chính quyền cùng người dân, mô hình nuôi bò vàng Hà Giang của hợp tác xã Cát Lý không chỉ giúp phát triển kinh tế mà còn góp phần giữ gìn giống bò quý của Hà Giang, tạo nên hướng đi bền vững cho ngành chăn nuôi địa phương…
Đức Thọ