Theo các nhà khoa học, ngoài chức năng kiểm soát lượng đường trong máu, lượng insulin tăng cao có thể kích thích tăng sinh tế bào, làm gia tăng nguy cơ ung thư. Ngoài ra, hầu hết những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 2 đều thừa cân, và mô mỡ dư thừa của họ tiết ra lượng adipokine cao hơn so với những người có cân nặng khỏe mạnh. Adipokine thường kích hoạt quá trình viêm, dẫn đến những bệnh mãn tính vốn có liên quan đến ung thư.
Giáo sư Termini tin rằng lượng đường huyết tăng cao ở những bệnh nhân đái tháo đường có thể gây hại cho ADN, khiến bộ gen dễ biến đổi và có thể dẫn tới ung thư. Ông đã cùng các đồng nghiệp tiến hành đánh giá một dạng tổn thương ADN, gọi là ADN "adduct" (sản phẩm cộng) làm cho khối u phát triển. Họ nhận thấy rằng ADN adduct, gọi là N2-(1-carboxyethyl)-2'-deoxyguanosine, hay CEdG, thường xảy ra ở những con chuột thí nghiệm mắc tiểu đường hơn những con bình thường.
Bên cạnh đó, các nhà khoa học cũng xác định 2 loại protein là HIF1a và mTORC1 kém hoạt động hơn ở những con chuột tiểu đường. HIF1a giúp kích hoạt một số gen thúc đẩy quá trình sửa chữa. Theo Giáo sư Termini, hiện đã có một số loại thuốc giúp kích thích sản sinh HIF1a hoặc mTORC1. Các nhà nghiên cứu đang có kế hoạch đánh giá liệu những loại thuốc này có giúp giảm nguy cơ ung thư ở những động vật nghiên cứu mắc tiểu đường hay không. Nếu những loại thuốc này phát huy tác dụng, họ sẽ tiến hành thử nghiệm trên người.